Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố, chưa cấp phép cho bất cứ sàn kinh doanh ngoại hối (forex) nào tại Việt Nam...
Đáng nói là dù không được cấp phép nhưng hàng trăm doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực tài chính này vẫn công khai lôi kéo, dụ dỗ hàng vạn người dân tham gia từ nhiều năm nay. Chỉ tính khoảng 5 năm trở lại đây, năm nào cũng có những vụ vỡ đường dây đa cấp tài chính kéo theo thiệt hại hàng ngàn, hàng vạn tỉ đồng.
Mạng lưới các công ty cũng mở rộng từ thành thị tới nông thôn, thậm chí vươn vòi bạch tuộc tới cả vùng sâu, vùng xa... nên sau mỗi vụ sập sàn là những gia đình ly tán, là hàng xóm láng giềng nghi kỵ, là bạn bè trở thành thù địch... Thế nhưng cho tới tận lúc này, không ai hiểu vì sao các hoạt động kinh doanh không được cơ quan quản lý cấp phép... vẫn nở rộ, vẫn công khai, vẫn huy động vốn đa cấp ở khắp mọi nơi, vẫn tổ chức các buổi hội thảo - hội nghị dạy cách làm giàu ở ngay những đô thị lớn của cả nước. Vậy cơ quan nào quản lý chuyện này?
Phải chăng chúng ta chỉ quản lý những đơn vị được cấp phép, còn các đơn vị hoạt động trái phép, hoạt động không phép thì... mặc kệ? Mà chẳng riêng gì những DN không phép, ngay cả những công ty được cấp phép nhưng trong quá trình hoạt động đã "biến hình", cũng không ai quan tâm. Lỗ hổng hậu kiểm được các hoạt động phi pháp tận dụng tối đa. Đó là các công ty đăng ký kinh doanh thông thường nhưng thực chất lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như huy động hay cho vay tài chính.
Bởi sau khi được cấp phép, đơn vị đó đóng ở đâu, hoạt động cái gì... hầu như không ai quan tâm. Lại có cá nhân mở DN chỉ để thực hiện trót lọt một vài phi vụ, nếu chẳng may bị phát hiện, bỏ của chạy lấy người. Đó là lý do, năm nào ngành hải quan cũng khốn khổ tìm chủ nhân của các lô hàng cấm nhập khẩu lưu cữu ngoài kho bãi nhưng địa chỉ đăng ký lại không hề tồn tại. Thực trạng DN ma nhiều thập kỷ nay vẫn thời sự đến hiện tại nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra làm đầu mối giải quyết.
Lỗ hổng hậu kiểm, không chỉ mang đến những thiệt hại tiền của của người dân, xã hội, nó còn cho thấy một hệ thống luật pháp thiếu công bằng, minh bạch, dẫn tới một môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng, thiếu sòng phẳng. Ở đó, những người, những DN làm ăn chân chính, đúng đắn sẽ thiệt thòi, sẽ khó cạnh tranh bởi họ phải đóng thuế, họ phải tuân thủ các quy định pháp luật, họ chịu sự giám sát, kiểm soát của nhiều tầng, nấc cơ quan quản lý trong khi "đối thủ" của họ thì không.
Bộ Công an vừa cảnh báo từ tháng 10 đến nay, xuất hiện một phần mềm gián điệp, được các đối tượng sử dụng nhằm lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người dùng điện thoại hệ điều hành Android mang tên “Bộ Công an”. Trước đó, việc kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng, viện kiểm soát... lừa đảo tiền tỉ cũng tràn lan. Rõ ràng các hành vi lừa đảo ngày càng táo tợn, không từ bất cứ thủ đoạn nào, không từ bất cứ cơ quan nào. Vì thế, nếu chúng ta không bít các lỗ hổng từ tiền kiểm đến hậu kiểm... thì sẽ đến lúc, bất cứ cá nhân, đơn vị nào cũng có thể bị giả danh và ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tình trạng này. Những hệ lụy về tiền của, xã hội và môi trường kinh doanh nói chung là không thể đo đếm.
Bình luận (0)