Siết các ngành tiêu tốn nhiều điện năng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/06/2019 07:40 GMT+7

Để hạn chế thiếu điện , phải siết cấp phép đầu tư vào các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Sắt thép, xi măng...

Ngành xi măng, luyện thép tiêu tốn năng lượng vô cùng nhưng đi đâu cũng nghe lỗ con số hàng nghìn tỉ đồng
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh,
Học viện Tài chính
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng tỷ trọng sử dụng điện trong nền kinh tế quốc dân trong thời gian qua hiệu quả thấp, rất nhiều ngành sản xuất trong nhóm công nghiệp nặng đang tiêu tốn nhiều điện năng song hiệu quả kinh tế mang lại không lớn. Có thể có chính sách không cấp phép nữa.
Xi măng, hóa chất, dầu khí, luyện kim, giấy, hóa chất... là những ngành sản xuất mà theo chuyên gia này “đang tiêu thụ lượng năng lượng rất lớn và “tàn phá” môi trường nhiều nhất”. Thế nhưng lợi nhuận các ngành sản xuất này lại vô cùng khiêm tốn. Trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương đều có mặt các dự án lớn thuộc các ngành nghề nói trên. Chẳng hạn, dự án thép Việt - Trung lỗ cả nghìn tỉ đồng vì hoạt động kém hiệu quả, dự án gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam... Hoặc Tổng công ty công nghiệp xi măng VN lỗ hàng nghìn tỉ tại các công ty con như xi măng Hải Phòng, xi măng Tam Điệp, xi măng Hạ Long, xi măng Sông Thao... và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối tài chính do lỗ lũy kế số quá lớn.
“Ngành xi măng, luyện thép tiêu tốn năng lượng vô cùng nhưng đi đâu cũng nghe lỗ con số hàng nghìn tỉ đồng. Chưa nói phần lớn nguồn năng lượng chúng ta đang sử dụng lại không tái tạo được. Nên chúng ta đang chịu với ngành sản xuất công nghiệp nặng gây ô nhiễm môi trường này là “thiệt đơn lẫn thiệt kép”. Vừa tiêu tốn nhiều năng lượng lại có xác suất gây ô nhiễm môi trường cao. Cái giá chúng ta đang trả cho việc sử dụng năng lượng hiện tại đắt hơn rất nhiều so với các quốc gia khác”, TS Đinh Trọng Thịnh nói và dẫn chứng rằng, công năng sử dụng điện của VN trong sản xuất đang cao hơn so với các nước trong khu vực từ 0,75 - 2 lần so với các nước Malaysia, Thái Lan. Một sản phẩm hai nước này sản xuất cần tiêu thụ 1 kWh điện, nhưng tại VN cùng sản phẩm lại phải tiêu thụ 1,75 - 2 kWh điện.
Đồng quan điểm, GS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Giá cả, bổ sung số liệu, tính đến hết năm 2018, thống kê cho thấy khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ đến 54% lượng điện năng của cả nước, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 35%, điện cho kinh doanh chỉ chiếm 9% và điện cho nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 2%. Tuy nhiên, điều bất hợp lý là khối tiêu thụ điện nhiều nhất chỉ đóng góp 34% trong tổng thu nhập GDP, khối kinh doanh lại đóng góp đến 41% GDP. “Ước tính 1 kWh điện của VN chỉ làm ra được 1,27 USD, chưa bằng một nửa so với mức trung bình thế giới”, GS Ngô Trí Long nói.

Không để người dân bù chéo điện sản xuất

Trong cơ cấu giá điện bình quân, giá điện sinh hoạt và kinh doanh đang cao hơn giá bán lẻ bình quân và giá điện cho khối sản xuất công nghiệp. Để giải bài toán người dân phải bù giá điện cho sản xuất, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng là đã đến lúc phải siết lại hoặc thu hẹp thu hút các dự án đầu tư tiêu tốn nhiều năng lượng.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có một thời để thu hút đầu tư, VN đã từng là điểm đến của nhiều nhà đầu tư vào ngành công nghiệp nặng do có giá điện rẻ. “Nhiệt điện, hóa dầu, sắt thép... được đầu tư ồ ạt với công nghệ cũ, lạc hậu nên “xơi” điện nhiều nhất. VN muốn vượt bẫy thu nhập trung bình thì phải thu gọn các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường lại, càng hẹp càng tốt. Đã đến lúc phải dũng cảm nói không với những dự án sản xuất, sử dụng thiết bị cũ tiêu hao năng lượng nhiều, cho dù dự án đó mang lại việc làm cho hàng trăm đến hàng ngàn lao động. Chính giá bán điện thấp cho sản xuất các ngành trên đã không tạo ra sức ép buộc các nhà sản xuất thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiết kiệm điện, hiệu suất cao. Ngoài ra, chính sách khuyến khích đầu tư các công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch phải được ưu đãi, ưu tiên tối đa. Chúng ta cần có chính sách này một cách cụ thể chứ không thể nói khơi khơi được”, ông Thịnh góp ý.
GS Ngô Trí Long đề nghị trước mắt nên tính toán lại giá bán lẻ điện cho sinh hoạt và giá điện cho sản xuất những ngành tiêu tốn nhiều điện năng để tránh trường hợp người dân đang bù chéo giá điện cho sản xuất. Song theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, vấn đề là quan trọng là thị trường hóa ngành điện. Khi đó có cạnh tranh về điện, giá điện mặt trời sẽ không đắt như bây giờ nữa. Ông Thịnh nói: “Chính nhà đầu tư tư nhân sẽ quyết định giá điện cho thị trường thế nào cho đến khi thấy hợp lý. Như vậy, nếu phát triển phong điện và điện mặt trời tốt, chúng ta hoàn toàn dự trữ được đáp ứng nhu cầu sản xuất điện trong nước. Chính vì không dám đầu tư nên mới thiếu điện, mới có giá điện đắt. Giá chúng ta đang nói là 9 cent/kWh nhưng thực chất là 22 - 28 cent/kWh, cao hơn các nước trong khu vực rất nhiều”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.