'Soi' thịt heo sạch vẫn chưa yên tâm

27/12/2016 07:00 GMT+7

Người dân TP.HCM khá hồ hởi đón nhận đề án soi thịt sạch bằng smartphone. Tuy nhiên, nhiều người cho biết “chưa thể yên tâm hoàn toàn”.

Sử dụng vì tò mò
Từ ngày 16.12, bên ngoài nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM treo một băng rôn lớn với dòng chữ “Điểm bán thịt heo truy xuất nguồn gốc”. Theo đó, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh soi vào con tem để biết nguồn gốc miếng thịt nuôi ở đâu, giết mổ tại lò nào, kiểm dịch viên, quầy bán tên gì?... Đây là một hệ thống quản lý thông minh, hiện đại mà trước giờ người Việt chưa từng tiếp cận nên thời gian đầu nhiều người hồ hởi đón nhận.
Bà Nguyễn Thị Thanh (Q.10) là người lớn tuổi, có thói quen đi chợ truyền thống đã chuyển sang đi siêu thị để được thử “soi” thịt sạch là như thế nào. Miếng thịt ba rọi mà bà mua ngoài thông tin về trọng lượng và giá thành còn có thêm một con tem nhỏ xanh xanh đỏ đỏ. Sau khi dùng điện thoại soi vào, được phần mềm TE-FOOD báo: Sản phẩm từ trang trại Velmar của Đồng Nai, được bán lúc 13 giờ 53 phút ngày 18.12, giết mổ tại cơ sở Vissan lúc 23 giờ 29 phút ngày 18.12 và Vissan cũng là nơi sản xuất/bán sỉ lúc 1 giờ 33 phút ngày 20.12. Bà Thanh cho biết, trước giờ bà thường mua thịt ở chợ, sạp quen bằng lòng tin. Giờ có cái tem này, còn biết thêm thông tin ai nuôi, nuôi ở đâu, giết mổ chỗ nào thấy cũng hay. "Xưa giờ từ người nuôi đến người ăn qua biết bao nhiêu khâu chỉ toàn mua đứt bán đoạn nên người ta cũng dễ làm ẩu. Bây giờ có thông tin tên tuổi như vậy tôi nghĩ là họ cũng sẽ làm ăn đàng hoàng hơn. Mình mua thịt về ăn cũng yên tâm hơn phần nào", bà Thanh nói.
Sau vài ngày đầu chính thức triển khai đề án “soi thịt sạch”, sự hiếu kỳ của người tiêu dùng cũng bắt đầu giảm dần. Sáng 20.12, tại quầy thịt heo của siêu thị Sài Gòn, trên đường 3 Tháng 2 (Q.10) có bảng hướng dẫn “soi thịt” được dựng một góc trước quầy, nhưng nhiều khách hàng không quan tâm. Hầu hết người tiêu dùng cứ chọn thịt, yêu cầu nhân viên cân rồi vội vã bỏ vào xe đẩy đi mà không ai kiểm tra nguồn gốc thịt mình mua. Khách hàng thứ 15 mua một cái giò heo khoảng 2 kg. Chúng tôi tiến tới bắt chuyện thì được biết chị tên Tăng Mỹ Hương, ở đường Tô Hiến Thành (Q.10). Hỏi sao chị không "soi thịt", chị Hương cho biết nghe thông tin trên báo đài ban đầu chị cũng tò mò cài TE-FOOD trên điện thoại và dùng thử một hai lần lúc mới có chương trình. "Bây giờ chẳng lẽ cứ mua miếng thịt nào cũng mở máy lên soi, mất khoảng 5 phút cũng chẳng để làm gì. Mấy năm nay sợ thực phẩm bẩn nên tôi chỉ mua thực phẩm tươi sống trong siêu thị vì ít nhất nó cũng qua một khâu kiểm định và bày bán ở nơi sạch sẽ. Mỗi siêu thị là một thương hiệu, họ phải có trách nhiệm với người tiêu dùng. Còn giờ soi miếng thịt xem heo được nuôi ở đâu, giết mổ ra sao thì tôi cũng đâu có biết nó có sạch hay không sạch”, chị Hương giải thích về chuyện không soi thịt của mình.
Nên sớm thực hiện soi ở chợ
Cùng suy nghĩ với chị Hương, anh Trần Văn Bình, khách mua hàng ở siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu, cho rằng ở các kênh phân phối hiện đại sản phẩm đầu vào đầu ra cơ bản là ổn. Thậm chí nhiều hệ thống siêu thị lớn đã tổ chức theo chuỗi từ lâu rồi. Sự khác biệt có chăng là cái tem - giải pháp tinh thần cho người tiêu dùng. Còn trong vấn đề thực phẩm phải tổ chức chăn nuôi an toàn từ trại và có sự kiểm soát chặt chẽ kể cả khâu vận chuyển. Điều này lại liên quan đến ngành nông nghiệp. "Chúng ta đang “chặt khúc” trong quản lý nên thật lòng tôi chưa thật sự yên tâm với con tem này. Trong khi đó, ở khâu phân phối vấn đề thực phẩm bẩn tràn lan chủ yếu nằm ở các chợ. Ở đây việc kiểm soát còn lòng lẻo, nơi bày bán thiếu vệ sinh. Việc soi thịt này sớm được tổ chức thực hiện ở các chợ để đông đảo người tiêu dùng thành phố sớm được hưởng quyền lợi chính đáng của mình", anh Bình đề xuất và cho rằng, ở chợ thì rất dễ xảy ra tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Người ta đăng ký mua tem thịt sạch nhưng vẫn bán thịt bẩn. Đó là chưa kể, bữa ăn của mỗi gia đình đâu chỉ có thịt mà còn nhiều loại thực phẩm khác. “Vì vậy chỉ mong sao sớm đến ngày mà khi ngồi vào bàn ăn người dân chúng tôi không phải suy nghĩ về chuyện sạch - bẩn”, anh Bình lo lắng.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở chả Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho rằng: “Heo bị bơm nước trước khi giết mổ vẫn được tuồn vào chợ đầu mối hằng đêm, rất khó kiểm soát. Không phải thịt tại siêu thị, mà kiểm soát nguồn thịt tại các chợ mới quan trọng. Bởi hiện tại lượng thịt được tiêu thụ tại chợ đầu mối chiếm phần lớn tổng nhu cầu thịt của thành phố. Nói thiệt là bằng mắt thường của mình tôi vẫn thường xuyên phát hiện thịt heo bị bơm nước ở chợ đầu mối mà ngành chức năng không phát hiện được. Tôi nghe nói nhiều về cái tem “soi” thịt sạch này nên cũng muốn chờ xem khi nó triển khai ở các chợ đầu mối thì có thật sự dẹp được thịt bẩn hay không”.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đơn vị chủ lực thực hiện đề án, thừa nhận đây là việc khó nên chọn cái dễ làm trước để rút kinh nghiệm và hoàn thiện sau đó mới nhân rộng ra ở kênh truyền thống. "Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai ở 2 chợ đầu mối và một số chợ lẻ rồi mở rộng dần để đảm bảo nguồn thịt an toàn. Bên cạnh đó, thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở ban ngành và lãnh đạo các quận huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý triệt để và chấm dứt các hoạt động giết mổ không chính thức để hạn chế và chấm dứt nguồn cung cấp thịt heo nằm ngoài quỹ đạo của đề án", ông Hòa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.