Sụt lún làm khó cốt nền đô thị

10/10/2018 07:46 GMT+7

Tốc độ sụt lún trung bình năm 2015 của vùng ĐBSCL là 1,1 cm/năm, các thành phố và khu công nghiệp có tốc độ cao hơn, đến 2,5 cm/năm còn tại TP.HCM có tốc độ sụt lún tới 7,3 cm/năm.

Hiện tượng ngập ngày càng nặng tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL không chỉ do triều cường ngày càng lớn mà còn một số nguyên nhân chính như: sụt lún mặt đất, nước biển dâng và loạn cốt nền trong quy hoạch và xây dựng đô thị.
Số liệu báo cáo của ngành chức năng Sóc Trăng cho biết mỗi ngày đêm địa phương này khai thác lượng nước ngầm khoảng 100.000 m³, còn tại Bạc Liêu đến 400.000 m³. Đây là 2 trong số các địa phương có tốc độ sụt lún nhanh nhất ĐBSCL.
Sụt lún từ 1,1 - 7,3 cm/năm
Tốc độ khai thác nước ngầm này khá trùng khớp với một nghiên cứu của ĐH Utrecht (Hà Lan, do Đại sứ quán Hà Lan công bố hồi tháng 6.2017 về tình trạng sụt lún ở ĐBSCL. Kết quả mô hình sụt giảm mực nước ngầm trung bình trên toàn ĐBSCL cho thấy tầng chứa nước càng sâu càng sụt giảm nhiều. Nhiều vùng rộng lớn ở ĐBSCL mực nước ngầm đã bị hạ xuống hơn 5 m. Những vùng xung quanh các đô thị lớn, các khu công nghiệp có khai thác nước ngầm nhiều như: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Tân An (Long An).


Đề xuất nâng cốt nền từ 2,5 - 3,2 m trở lên
Mới đây Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) đưa ra đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với đề xuất cốt xây dựng của TP.HCM từ 2,5 - 3,2 m trở lên. Cốt xây dựng mới được tính căn cứ vào tần suất lũ, triều và có xét đến kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.


Đặc biệt ở TP.HCM, có những vùng sụt giảm mực nước ngầm theo hình nón đối với tất cả các tầng nước hơn 20 m, có nơi hơn 40 m. Theo báo cáo trên, tốc độ sụt lún trung bình năm 2015 của vùng ĐBSCL là 1,1 cm/năm, các thành phố và khu công nghiệp có tốc độ cao hơn, đến 2,5 cm/năm còn tại TP.HCM có tốc độ sụt lún tới 7,3 cm/năm.
“Tốc độ sụt lún do khai thác nước ngầm ở ĐBSCL đã tăng liên tục trong 25 năm qua. Trên toàn đồng bằng lún do khai thác nước ngầm đang ở tốc độ 1,1 cm/năm, vượt hơn tốc độ nước biển dâng 3 mm/năm. Tốc độ sụt lún này rất đáng báo động vì cao trình mặt đất ĐBSCL so với mực nước biển dưới 2 m. Trong tương lai, nếu ĐBSCL tiếp tục phát triển công nghiệp, khai thác nước ngầm sẽ tăng. Ở vùng nông thôn, sự chuyển đổi sử dụng đất sang những mô hình sử dụng nước ngầm nhiều hơn đang tiếp diễn. Tình hình sụt lún sẽ tiếp tục tăng thêm”, ĐH Utrecht khuyến cáo.
Mới đây PGS-TS Lê Văn Trung và cộng sự tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã đưa ra những số liệu về tình trạng sụt lún mặt đất tại TP.HCM cho thấy tình trạng sụt lún đang lan rộng khắp TP.HCM. Nếu như 20 năm trước, biến dạng lún xuất hiện lần đầu tại một vùng nhỏ thuộc quận 6 và Bình Thạnh thì chỉ vài năm sau tình trạng sụt lún đã lan sang các quận huyện: 7, 8, 9, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Đến giai đoạn 2002 - 2010, độ lún tăng nhanh tại quận 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Từ năm 2011 đến nay, vùng lún chủ yếu xuất hiện tại Nhà Bè, Bình Chánh.
Theo tính toán của các chuyên gia này, đến năm 2070 mực nước biển tăng lên 50 cm. Do đó nếu không có giải pháp quản lý kịp thời, lún mặt đất kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển sẽ tạo ra áp lực rất lớn đến chương trình điều hành thoát nước và chống ngập của TP, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tác động rõ nhất của tình trạng lún, nước biển dâng là tại khu vực Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) những năm gần đây tình trạng ngập nặng liên tục xảy ra. Gần đây nhất, khi triều cường đạt đỉnh 1,6 m ở trạm Phú An, khu sinh sống của người giàu, người nước ngoài này đã ngập 2 ngày.
Đất lún, phải tính lại cốt nền
Sụt lún khiến TP.HCM và nhiều tỉnh, thành ở Nam bộ ngập nặng khi triều cường hay mưa bão. Trong bối cảnh đó, phải tính lại cốt nền để hạn chế tình trạng này.
Theo KTS Lê Công Sĩ, hiện nay cốt nền chỉ là con số mơ hồ khi cốt nền chuẩn 2.0 của quốc gia dẫn về mỗi địa phương không thống nhất. Điển hình như tại TP.HCM, tài liệu lưu trữ quốc gia 2.0, nhưng dẫn về các quận huyện vẫn khác nhau. Do đó, để có một cốt nền chuẩn cần nghiên cứu lại xem nước biển dâng hiện nay đã là bao nhiêu, cốt nền 2.0 có còn phù hợp hay không? Ngoài ra, còn phải dự trù trong tương lai nước biển sẽ dâng bao nhiêu, lún đất bao nhiêu để cần phải thay đổi cốt nền bởi hiện nay nền đất thấp dần.
PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, băn khoăn: Cốt nền 2.0 chuẩn quốc gia so với mực nước biển có còn được 2.0 hay một số nơi chỉ còn 1.8? Cơ quan chức năng, mà cụ thể là Bộ Tài nguyên - Môi trường vẫn chưa có một nghiên cứu hay kết luận nào chính thức bằng văn bản vấn đề này. Do đó các địa phương vẫn loay hoay xác định cốt nền thực tế, đề xuất cốt nền mới theo cảm tính. Cần có một nghiên cứu để tính toán lại xem cốt nền trên có thay đổi so với mực nước biển hay không. Bởi nếu nâng lên sẽ gây xáo trộn, tốn kém rất lớn cho người dân, cho xã hội khi phải nâng đường, nâng nền nhà, công trình, dự án… Điển hình như đường An Dương Vương ở TP.HCM khi nâng đường gần như tất cả công trình, nhà dân hai bên đường đã bị biến thành “hang chuột”.
Do hệ thống thoát nước xuống cấp, quá tải?
Các chuyên gia cho rằng có một thực tế là cốt nền đã ban hành và đưa ra áp dụng quá lâu so với biến động những năm qua đã không còn chuẩn. Do đó cần tính toán lại cốt nền thực tế hiện nay và đưa ra các kịch bản cho tương lai. Nếu tùy tiện nâng cốt nền lên hơn 2.0 thì những vùng có cao độ 2,3 - 2,4 m có thể đơn giản, nhưng vùng dưới 2 m là vấn đề lớn về chi phí và nguồn vật liệu. Một chuyên gia đặt vấn đề, nếu nói ngập vì nền đất thấp thì tại sao Củ Chi, Hóc Môn có những chỗ cao 5 - 10 m nhưng vẫn ngập?
Đó chính là vì hệ thống thoát nước đã xuống cấp và quá tải. Một vấn đề nữa là hệ thống các mốc cao độ đang bị lún, dẫn đến số liệu đầu vào thiết kế công trình không chuẩn xác, nên mới xảy ra tình trạng tôn nền cao theo cốt xây dựng nhưng vẫn ngập. Thực tế có những công trình mới đặt cống thoát nước xuống đã ngập cống thì làm sao thoát nước kịp khi mưa, triều cường...
Theo ông Nguyễn Hoài Nam (nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM), hiện nay đã có kịch bản ngập 2,5 m nước, nghĩa là nước biển dâng lên trên 50 cm so với cốt nền 2.0. Tuy nhiên, kịch bản này chỉ diễn ra ở một số nơi do lún đất và nước biển dâng thì nhiều nơi sẽ bị ngập, không phải là tất cả do đó một số nơi cốt nền 2.0 vẫn còn phù hợp. Cần ưu tiên phát triển đô thị ở những vùng cao, hạn chế phát triển ở vùng trũng. Những nơi đã xây theo cốt nền 2.0 hoặc dưới 2.0 thì tìm giải pháp sống chung chứ không nâng đường, nâng nhà, cũng như chống ngập có thể xây hầm dưới đất chứa nước sau đó bơm ra, xây đê bao chống ngập cục bộ… Hà Lan dưới 7 - 8 m so với mực nước biển nhưng họ vẫn sống được và không bị ngập.
“Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên - Môi trường thì mực nước biển trong vòng 100 năm nữa sẽ dâng thêm 1 m, nếu không nâng cao thì một số nơi sẽ ngập. Tuy nhiên, nếu nâng nền, nâng đường thì nước chảy về chỗ trũng, các đô thị mới nâng lên cao thì những khu đô thị hiện hữu sẽ ngập”, ông Nam khuyến cáo.
Triều cường đạt đỉnh, nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị ngập sâu
Khoảng 17 giờ ngày 9.10, tại một số con đường ở P.Thảo Điền (Q.2) như Nguyễn Văn Hưởng, đường 41, 66 bị ngập nặng. Riêng đường Nguyễn Văn Hưởng bị ngập sâu, kéo dài gần như suốt tuyến. Tại Q.Bình Thạnh, khu bờ kè Thanh Đa cũng chìm trong biển nước. Tại Q.7, đường Huỳnh Tấn Phát lại tiếp tục bị ngập sâu vào buổi sáng sớm và chiều tối.
Trong khi đó tại An Giang, rạng sáng qua triều cường dâng cao đã gây ngập QL1 đoạn thuộc các phường Mỹ Quý, Mỹ Phước, Mỹ Bình (TP.Long Xuyên). Trên đường Phạm Cự Lượng, Trần Hưng Đạo (P.Mỹ Phước), nhiều đoạn nước ngập hơn 0,5 m, hàng loạt xe máy qua lại bị chết máy phải dẫn bộ. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, mực nước mới rút dần, để lại mùi hôi tanh rất khó chịu.
Phạm Hữu - Thanh Dũng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.