Từ đầu năm đến nay, một loạt công trình cầu, đường nối từ khu nam thành phố (Q.7, H.Nhà bè) với khu trung tâm được triển khai mở rộng, sửa chữa khiến tình trạng kẹt xe diễn ra nặng nề. Dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ qua cầu Kênh Tẻ (nối Q.7 và Q.4), dòng xe chen nhau xếp thành hàng dài bất kể giờ cao hay thấp điểm. Cây cầu nhỏ vốn đã phải "gánh" một lượng xe cộ lớn đổ từ các khu đô thị phía nam dồn về trung tâm, nay phải chia thêm đất cho lô cốt thi công xây dựng đã không còn chỗ cho phương tiện lưu thông. Hình ảnh xe máy leo lên vỉa hè, thậm chí lên cả phần lề bộ hành phía 2 bên cầu, chiếm hết đất của người đi bộ diễn ra thường xuyên.
tin liên quan
Gần 90 tỉ đồng mở rộng cầu Kênh TẻNới thêm bao nhiêu cũng không đủ
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sau khi nhận được phản ánh của báo chí và người dân về điểm đen ùn tắc cầu Kênh Tẻ, Sở GTVT đã xuống tận nơi khảo sát, lập tức yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công cắt cử người theo dõi để phân luồng giao thông. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu tháo các dải phân cách cứng trên cầu Kênh Tẻ cũng như các cầu, đường kết nối từ khu nam đến khu vực trung tâm, có người điều tiết linh hoạt theo từng khung giờ, lưu lượng xe thực tế để tăng diện tích mặt đường, giúp xe thoát nhanh hơn. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời chỉ giữ cho khu vực cầu Kênh Tẻ thông thoáng được 2 ngày. Các phương tiện có chuyển hướng cũng kẹt nên vẫn phải chấp nhận quay lại.
Đại diện Sở GTVT đánh giá hiện nay, năng lực thông xe trên các trục đường chính dẫn vào cầu đã trở nên quá tải, lưu lượng phương tiện vượt quá khả năng thông xe của các công trình cầu, đường dẫn đến thường xuyên ùn tắc giao thông trên các trục đường Nguyễn Hữu Thọ, đường Khánh Hội (Q.4), Nguyễn Tri Phương (Q.5), Phạm Hùng (Q.8)... Theo quy hoạch, ngoài 2 cầu chữ Y và cầu Kênh Tẻ đang được mở rộng thêm 3 m, Sở GTVT cũng đang triển khai các dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Hữu Thọ, nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát đoạn từ đường Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân, xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối Q.7 - Q.2, xây dựng nút giao khác mức Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư - Nguyễn Văn Linh, đường trục bắc - nam... nhưng hầu hết mới dừng lại ở bước lập dự án.
Trục đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn từ Q.7 - H.Nhà Bè vốn đã quá tải giờ còn đang “cõng trên lưng” loạt dự án như khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3 có 1.000 căn hộ với khoảng 4.000 dân, khu chung cư Kenton của Công ty Tài Nguyên khoảng 3.000 căn hộ với khoảng 12.000 người, chưa kể 800 phòng khách sạn, condotel và khu vui chơi giải trí mục tiêu trở thành điểm đến của 10.000 - 15.000 người/ngày... Ngay chân cầu Kênh Tẻ, dự án Golden Gate rộng 1,9 ha cũng đang rục rịch khởi công. Đó là chưa kể hàng loạt trường đại học nằm mặt tiền như ĐH Cảnh sát, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Marketing, hai khu thương mại Lotte, Vivo City, khu đô thị Phú Mỹ Hưng và người dân sống trong các khu dân cư hiện hữu. Nếu tất cả các dự án hoàn thành và lấp kín số lượng cư dân, bài toán lưu thông khu vực này dễ đi vào bế tắc.
Ông Vũ Thắng, chuyên gia về xây dựng cầu - đường đánh giá với tình hình phát triển “nóng” như khu nam thành phố hiện nay thì tình trạng ách tắc sẽ còn kéo dài. “Đây là lỗi do không có cái nhìn quy hoạch tổng quát. Giờ cần thiết việc khắc phục nhanh nhất, sử dụng công nghệ hiện đại, tối ưu để mau chóng hoàn thiện các công trình”, ông Thắng đề xuất.
Công trình mở rộng cầu Kênh Tẻ chính thức bắt đầu thực hiện từ ngày 15.5, dự kiến thi công trong 12 tháng nhưng sau đó, chủ đầu tư dự án là Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết sẽ rút ngắn thời gian thi công chỉ còn 2/3, mở rộng xong cầu này trong năm 2018. Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, công trình do nhà thầu của Pháp thực hiện, đã sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới, tìm giải pháp thi công tốt nhất để giảm kẹt xe rồi. Thời gian sửa chữa phải chấp nhận ùn tắc, chỉ có thể giảm thiểu bằng công tác điều tiết tạm thời.
|
Bình luận (0)