Tại sao 53% doanh nghiệp không có lợi nhuận? ​

Anh Vũ
Anh Vũ
21/08/2018 10:04 GMT+7

Đó là câu hỏi được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra với hơn 600 chuyên gia trong và ngoài nước tại Diễn đàn kinh tế đang diễn ra sáng nay, 21.8.

Diễn đàn chuyên đề Thị trường vốn - Tài chính trong khuôn khổ ViEF (Diễn đàn kinh tế Việt Nam) có chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam - Giải pháp và thách thức” được tổ chức ngày 21.8 tại Hà Nội. 

 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, quy mô nền kinh tế của Việt Nam hiện nay vẫn còn khiêm tốn song độ mở lại rất lớn. Chính phủ luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đất để phát triển, năm nay cắt giảm 56% về điều kiện kinh doanh, phấn đấu ít nhất thêm 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành.

 

“Hiện mới chỉ được 20% đã được cắt, từ nay đến cuối năm còn áp lực lớn”, ông Huệ nói. 

 

Phó thủ tướng đề nghị diễn đàn cần đánh giá giá sức khoẻ của các chủ thể tham gia thị trường, đây là vấn đề mà Chính phủ rất băn khoăn. Đặc biệt, tình trạng vốn mỏng của các doanh nghiệp, kể cả các định chế tài chính và ngân hàng.

 

Dẫn số liệu của Tổng cục thống kê, đến 31.12.2016 rằng có đến 53% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận, ông Huệ băn khoăn: “Vì sao tại Việt Nam hoạt động kinh doanh thiếu khả quan như vậy, 47% của năm 2016 có bước tiến rất mạnh ở mức 30% so với giai đoạn trước. Nhưng 1 nền kinh tế có 53% doanh nghiệp không có lời thì rất khó, phải chăng do vốn mỏng, nhiều doanh nghiệp hoạt động chỉ dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn chủ sở hữu thấp nên chi phí tài chính rất cao? Các chi phí tài chính cộng với chi phí tiếp cận thị trường, thương mại… rất cao. Kể cả các ngân hàng hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế vốn chủ sở hữu rất hạn chế. Giải pháp sắp tới phải làm gì?".

 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong muốn diễn đàn tìm ra điểm nghẽn lớn nhất hiện nay tại thị trường vốn ở đâu, phải chăng do mất cân đối giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn?  

 

Theo Phó thủ tướng, trong hoạt động tín dụng mất cân đối giữa tỷ trọng tín dụng và các dịch vụ phi ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại chủ yếu dựa trên nền tảng hoạt động tín dụng mà các dịch vụ gia tăng khác lại hạn chế. Gánh nặng huy động vốn của nền kinh tế đang dồn lên hệ thống ngân hàng, các ngân hàng phải gánh quá sức. Tuy thị trường vốn, chứng khoán phát triển, mục tiêu 2020 tổng vốn hoá trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu 70% GDP đến nay đã vượt, nhưng vẫn đang bị mất cân đối. 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.