Chất lượng tấm quang điện (pin mặt trời) một lần nữa khiến người tiêu dùng lo ngại khi mới đây, giám đốc một công ty buôn lậu tấm quang điện với giá trị hàng trăm tỉ đồng bị cơ quan công an bắt tạm giam ở tỉnh Bắc Giang.
Tiêu chuẩn các thiết bị chính tấm pin chưa có
Tuần qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông He Wen Zhen - giám đốc và bà Đỗ Thị Ngọc Mai - nhân viên Công ty TNHH Hà Nội Solar Technology về tội buôn lậu. Theo cơ quan chức năng, Công ty TNHH Hà Nội Solar Technology (Khu công nghiệp Đình Trám, H.Việt Yên, Bắc Giang) là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa là tấm pin năng lượng mặt trời. Từ năm 2020 đến nay, giám đốc công ty (quốc tịch Trung Quốc) cùng với nhân viên Đỗ Thị Ngọc Mai đã nhiều lần thực hiện việc mở tờ khai nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Song thực tế là nhập khẩu những tấm quang điện thành phẩm để bán cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Số lượng hàng hóa các đối tượng đã nhập lậu ước tính có giá trị hàng trăm tỉ đồng.
Trước đó ở, tại hội thảo về năng lượng tái tạo do Bộ Công thương tổ chức ở phía nam, Tổng công ty điện lực miền Nam cũng khuyến nghị nhà nước cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn các thiết bị chính (như pin quang điện, bộ chuyển đổi năng lượng) cũng như sớm công bố các thiết bị, nhà cung cấp đạt chất lượng liên quan đến lắp hệ thống ĐMT để nhà đầu tư, người dân làm ĐMT biết lựa chọn thiết bị phù hợp. Thứ hai, cần sớm có tổ chức kiểm định độc lập để xác nhận và công bố chất lượng trước khi đấu nối lưới điện theo Thông tư 39 của Bộ Công thương. Đặc biệt, Điện lực miền Nam cũng cung cấp thông tin có những gói mời chào từ các nhà cung cấp có giá chênh lệch đến 50% đối với các suất đầu tư ĐMT nhỏ 1 kWp.
Tránh thiệt hại cho nhà đầu tư
Chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi (Canada) bổ sung, thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) thì Việt Nam có gần 20 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến hệ thống ĐMT. Thế nên, nói những tấm quang điện dùng trong sản xuất ĐMT áp mái chưa có chuẩn cụ thể là chưa chính xác. Ông nói: “Thiếu chăng là các chế tài về chất lượng sản phẩm thế nào thì hầu như không thấy trước cơn lốc đầu tư ĐMT áp mái trong thời gian qua. Cụ thể như việc nhà đầu tư mua các tấm quang này thế nào, lắp ra sao và chế tài thế nào khi nó không đúng chất lượng. Thế nên mới xảy ra tình trạng nhập lậu các tấm pin trôi nổi, không rõ xuất xứ để bán lấy lãi. Vụ việc cơ quan quản lý khởi tố một doanh nghiệp do chủ là người Trung Quốc đứng tên, nhập lậu và bán hàng trăm tỉ đồng từ những tấm quang điện này chỉ là một mảnh nhỏ trong bức tranh thị trường pin mặt trời hiện tại mà thôi”.
Quyết định 13 của Thủ tướng về phát triển ĐMT tại điều 5 nói về giá mua điện đối với các dự án ĐMT nối lưới có đề cập hiệu suất của các tấm quang điện, ông Thi cho rằng thực chất đó là yêu cầu về chất lượng, có đạt mới được hưởng giá ưu đãi theo quyết định. Cụ thể, dự án có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%. Tuy vậy, quy định cụ thể về tiêu chuẩn của từng module lại không có. Thế nên, một dự án triển khai, những tấm quang điện ban đầu lắp đặt đạt hiệu suất 15 - 16% là đạt chuẩn rồi, song vài tuần, vài tháng sau, hiệu suất rớt về còn 10%, lúc đó người mua không biết kêu ai. Ông Thi cảnh báo: “Thị trường tấm quang điện quá nhiều hàng trôi nổi, nhất là hàng từ Trung Quốc. Điều này gây thiệt hại cho nhà đầu tư và gây khó cả cho bộ phận điều tiết điện lực. Vì khi hiệu suất hệ thống không ổn định, công tác dự báo sản lượng điện năng rất khó chính xác, tạo ra thách thức về điều độ hệ thống vì phải đối phó với tình trạng thừa, thiếu điện... ngoài dự báo”.
Bình luận (0)