'Tàu 67' ngậm ngùi chờ hỗ trợ duy tu

Hữu Trà
Hữu Trà
26/05/2018 07:25 GMT+7

Theo quy định, các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ sẽ được hỗ trợ kinh phí duy tu, sửa chữa ở mức không quá 1%/tổng giá trị con tàu/năm.

Tuy nhiên, đến nay 32 con “tàu 67” ở Quảng Nam vẫn chưa nhận được hỗ trợ này, khiến ngư dân gặp khó khăn.
Tàu liên tục hư hỏng
Đưa chúng tôi đi một vòng tham quan con “tàu 67” hoen gỉ phần lớn, ông Trần Công Kỳ, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang (H.Núi Thành) “kêu trời” về chất lượng vật liệu đóng tàu. Theo ông Kỳ, tàu vỏ thép mà xuống biển thì y như con nghiện vậy, hôm nay bong chỗ này, mai lại thấy xuất hiện hư hỏng chỗ khác. “Tốn không biết bao nhiêu tiền sơn phết, chưa kể mỗi năm phải duy tu, sửa chữa lớn một lần theo quy định của nhà nước. Vậy mà chờ hoài cũng không thấy tiền hỗ trợ ở đâu. Tàu vỏ thép không chăm chút thì nhanh biến thành sắt vụn lắm”, ông Kỳ nói và cho biết đã làm đơn xin tiền hỗ trợ để duy tu, sửa chữa nhưng chưa thấy động tĩnh gì.
Tháng 11.2015, tàu vỏ thép đầu tiên ở Quảng Nam hạ thủy, mang lại bao hy vọng đổi đời cho ngư dân tham gia chương trình đóng tàu vỏ thép vươn khơi xa. Nhìn con tàu lừng lững mà cả gia đình thầm ao ước, ông Phan Thu (ở thôn Bình Tân, xã Bình Minh, H.Thăng Bình) phấn khởi, an tâm ra biển cùng những chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 đã ban hành. Sau một năm hành nghề, định kỳ, tàu vỏ thép phải được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo an toàn. Theo ông Thu, năm 2016, rồi 2017, ông đều tiến hành duy tu, bảo dưỡng, mỗi lần như vậy tốn hơn 100 triệu đồng. Sau đó, ông thu gom đầy đủ chứng từ thanh toán và nộp hồ sơ cho Sở NN-PTNT Quảng Nam, nhưng rồi nguồn kinh phí hỗ trợ duy tu, sửa chữa vẫn không được nhận.
Trong khi đó, chủ tàu Bùi Thế Cả, ở xã Tam Quang, H.Núi Thành cũng lắc đầu ngao ngán khi liệt kê hàng loạt lỗi lớn, lỗi nhỏ do thiết kế của tàu vỏ thép để lại “di chứng” khiến chủ tàu phải hứng chịu hằng ngày như việc bố trí cabin, máy móc, thiết bị ở phần lái nên phần mũi quá nhẹ, tàu thường chao nghiêng trong quá trình đánh bắt; hệ thống thoát nước trên tàu bị lỗi, nước tràn vào hầm chứa làm hải sản bị hư hao... “Tàu vỏ gỗ đỡ tốn tiền duy tu, sửa chữa, nhiều lắm thì
5 - 7 năm mới làm một lần. Còn tàu vỏ thép phải tiểu tu, trung tu, đại tu liên tù tì mới đi ra biển được. Mà mỗi lần rớ vô là mỗi lần tiền ra. Vậy mà kinh phí hỗ trợ duy tu cứ chờ mãi, ai chịu cho thấu. Cái này chúng tôi không xin, mà có quy định hẳn hoi”, ông Cả cho biết.
Trụ thép trên tàu của ông Trần Công Kỳ bị hoen gỉ, gãy ngang

Chưa có định mức duy tu ?
Năm 2014, khi Nghị định 67 có hiệu lực, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn, trong đó nêu rõ đối tượng được hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ là chủ tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Trên cơ sở căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ của Bộ NN-PTNT, UBND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ theo chi phí thực tế, nhưng mức chi không quá 1% giá trị đóng mới tàu. Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, ngư dân chưa nhận được hỗ trợ kinh phí duy tu, sửa chữa là do... Bộ NN-PTNT vẫn chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa đối với tàu vỏ thép.
Nóng lòng trước những yêu cầu chính đáng của ngư dân, Sở NN-PTNT Quảng Nam đã đề nghị Bộ NN-PTNT sớm ban hành quy định thống nhất, cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép để ngư dân tiếp cận khoản hỗ trợ này. Tuy nhiên, Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) lại đề nghị Sở NN-PTNT hướng dẫn ngư dân triển khai thực hiện việc duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép định kỳ, hoàn tất hồ sơ hỗ trợ, để ngư dân được hưởng chính sách theo quy định. Trong khi đó, vấn đề chính là định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép định kỳ để làm cơ sở chi trả cho ngư dân lại không được vụ này đề cập đến.
“Do liên quan đến chính sách nên cần có đủ văn bản pháp lý cũng như bảng định mức để đánh giá và thẩm định, từ đó làm căn cứ để chúng tôi đề xuất UBND tỉnh phê duyệt kinh phí và chi trả cho ngư dân”, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, nói và cho biết các ban, ngành ở tỉnh Quảng Nam hết sức lúng túng trong việc tiếp nhận hồ sơ để giải ngân hỗ trợ, còn ngư dân thì mỏi mòn chờ đợi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.