'Tàu 67' đang chậm lại

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
31/03/2018 07:13 GMT+7

Đội “tàu 67” của TP.Đà Nẵng còn quá ít so với tiềm năng bởi ngư dân thiếu nhiều thủ tục, đồng thời số hồ sơ được duyệt đóng tàu đang có dấu hiệu giảm theo từng năm.

Theo Phòng Kinh tế Q.Sơn Trà, nếu năm 2015 ngư dân hồ hởi đổ xô đăng ký vay vốn ưu đãi đóng tàu theo Nghị định 67 với 10 hồ sơ, thì năm 2016 chỉ có 6 hồ sơ, năm 2017 có 2 trường hợp đăng ký và cả 2 đều không đạt yêu cầu. Trong 18 hồ sơ, khi trình lên TP chỉ có 5 hồ sơ được phê chuẩn để ngân hàng giải ngân, gồm ngư dân Trần Văn Mười (P.Mân Thái) vay 17,23 tỉ đồng đóng tàu thép 822 CV, Lê Văn Nhắn vay 6,6 tỉ đồng đóng tàu gỗ 1.000 CV, Nguyễn Sương (cùng P.Nại Hiên Đông) vay 17,6 tỉ đồng đóng tàu vỏ thép 820 CV và vay 4,2 tỉ đồng đóng tàu gỗ 1.030 CV, Võ Thế (P.An Hải Đông) vay nâng cấp ngư lưới cụ.
Ở Q.Thanh Khê, nghề cá không kém Sơn Trà, nhưng từ năm 2016 đến nay chỉ có 2 trong số 7 hồ sơ vay “vốn 67” được phê duyệt và giải ngân. Đó là ngư dân Lê Văn Thương (P.Hòa Khê) vay 800 triệu đồng mua sắm ngư lưới cụ, ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm (P.Thanh Khê Đông) vay 16,4 tỉ đồng đóng tàu vỏ thép 822 CV. Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế Q.Thanh Khê, thừa nhận số hồ sơ vay “vốn 67” của ngư dân còn quá ít so với số lượng tàu cá hành nghề trên địa bàn, phần lớn do ngư dân vẫn đánh bắt nhỏ, tuổi đã lớn nên ngại đổi mới, sợ nợ nhiều khó trả gốc và lãi. Bên cạnh đó vẫn có một bộ phận ngư dân khát vọng hiện đại hóa đội tàu nhưng hồ sơ không được duyệt bởi không chứng minh được vốn đối ứng, phương án sản xuất và nhất là phương án trả nợ...
Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước VN - chi nhánh Đà Nẵng cũng cho rằng, qua 3 năm triển khai cho vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 đã mở ra cơ hội cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn hơn chục tỉ đồng mỗi trường hợp. Thế nhưng, kết quả ban đầu vẫn còn tương đối ít khi chỉ 7 tàu được hạ thủy, hoạt động và đang có xu hướng giảm theo từng năm, dù nguồn vốn từ ngân hàng có sẵn để giải ngân. Nguyên nhân phần đông hồ sơ bị rớt là ngư dân còn nợ ở ngân hàng khác, thiếu tài sản đảm bảo (ngoài tài sản con tàu hình thành từ vốn vay), phương án trả nợ không khả thi do phương án sản xuất mơ hồ. Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN - chi nhánh Đà Nẵng, 3 năm qua, Đà Nẵng chỉ có 7 “tàu 67” là do thủ tục phê duyệt, giải ngân rất kỹ càng, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả. “Nếu ở địa phương khác, hồ sơ từ địa phương đưa lên tỉnh, TP phê duyệt rồi đưa sang ngân hàng cho vay, nhưng ở Đà Nẵng trước khi lên cấp TP thì phải qua tổ giúp việc thực hiện Nghị định 67. Tổ này đưa hồ sơ qua ngân hàng thẩm định, trả lời đủ điều kiện hay không, rồi mới trình TP, khi TP duyệt xong thì ngân hàng cho vay ngay”, ông Võ Minh nói và cho biết thêm nhờ quy trình này mà từ 2015 đến nay đã ngăn chặn được từ đầu một số tổ chức, cá nhân vay “vốn 67” nhưng chưa có kinh nghiệm đi biển, chưa có lao động, mục đích khai thác, loài đánh bắt...
Ông Trần Văn Mười, một trong số ngư dân vay 17,23 tỉ đồng đóng tàu vỏ thép 822 CV, cho biết tàu của ông đã hoạt động gần 2 năm. Ông Mười đề nghị kéo dài thời hạn trả nợ để ngư dân yên tâm sản xuất. Bởi hiện nay chi phí hoạt động dành cho tàu vỏ thép cao gấp rưỡi đến gấp đôi tàu vỏ gỗ, đồng thời ngân hàng cần giãn nợ, không áp dụng lãi phạt trong những thời điểm mưa bão, thiên tai hoặc bị sự cố nằm bờ, có như vậy để tránh rủi ro nghề biển mà ngư dân không thể lường hết được. “Hiện thủ tục thẩm định của ngân hàng kéo dài, hồ sơ rất nhiều khiến ngư dân tốn thời gian và nhiều ngư dân còn ngại chuyện thủ tục, giấy tờ vì học vấn”, ông Mười góp ý.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước VN - chi nhánh Đà Nẵng, trong 2 năm 2015 - 2017, đơn vị thẩm định 32 hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67 và một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó chỉ có 9 hồ sơ đạt, 8 hồ sơ tổ chức, cá nhân tự rút do không còn nhu cầu vay. 15 hồ sơ không đạt với nguyên nhân người vay chưa có đủ năng lực nghề nghiệp và năng lực tài chính. Kết quả cho vay theo Nghị định 67 tính đến 31.12.2017: 5 ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chấp thuận cho vay để đóng mới, nâng cấp 9/10 tàu được UBND phê duyệt (7 tàu đóng mới và 2 tàu nâng cấp) với tổng số tiền cam kết cho vay là 120,39 tỉ đồng; giải ngân cho vay 112,74 tỉ đồng, dư nợ 107,49 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.