Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang mới đây đã gửi thư khen ngợi các lực lượng tham gia chặt đứt đường dây buôn lậu than quy mô lớn từ Quảng Ninh sang Trung Quốc. Có thể thấy, cuộc chiến với 'tội phạm ngành than' đang trở nên rất quyết liệt tại vùng đất mỏ này.
|
Bộ Công an hiện vẫn đang điều tra mở rộng vụ án buôn lậu than với số lượng lớn tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển 324 (gọi tắt Công ty 324) do Lương Ngọc Phượng, tức Tuấn Phượng (50 tuổi, trú tại đường Trần Phú, P.Cẩm Thành, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) làm chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc.
Phù phép than thanh lý
Trước đó, ngày 28.7, trên vùng biển Quảng Ninh giáp Trung Quốc, các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an Quảng Ninh đã bắt giữ tàu Quang Phúc 08 chở hơn 4.000 tấn than cám không giấy tờ hợp lệ, có dấu hiệu là than lậu. Tại cơ quan điều tra, thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu khai nhận số than này là của Công ty 324 vận chuyển sang Trung Quốc để tiêu thụ. Vụ án sau đó đã được khởi tố, nhiều nghi phạm bị bắt. Khám xét trụ sở Công ty 324, công an thu giữ hàng trăm nghìn tấn than, tài liệu liên quan đến hành vi buôn lậu. Vợ Tuấn Phượng là Nguyễn Thị Mai cũng đã bị bắt giữ.
|
Công ty 324 được Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ninh cấp phép năm 2004, sau 5 lần thay đổi chức năng, đơn vị này được kinh doanh 18 mã ngành hàng như: khai thác và thu gom than cứng, các hoạt động khai thác than dưới hầm lò, khai thác than bề mặt… Từ năm 2012 đến nay, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh cho phép công ty này được mua than phát mãi trên địa bàn theo thời hạn từng năm một.
Trên thực tế, số lượng than phát mãi mà Công ty 324 thu mua không đáng là bao, theo hóa đơn là 19.000 tấn và chủ yếu là từ trước năm 2013. Từ khi có “lá bùa” thu mua than thanh lý này, ông chủ Tuấn Phượng đã hợp thức hóa nguồn than trôi nổi đầu vào nhằm đối phó với các cơ quan chức năng khi kiểm tra.
Lợi dụng hợp đồng “xúc đất đá” để xúc than
Vụ việc kể trên chỉ là một điển hình cho thấy nạn than lậu tạm lắng sau chiến dịch truy quét của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2008 đến nay đã phức tạp trở lại. Trên thực tế, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công an từ đầu năm tới nay liên tục phát hiện các tàu chở than lậu bẻ lái sang Trung Quốc tiêu thụ.
Ngày 19.3, tại khu vực quần đảo Long Châu (giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng), các đơn vị thuộc Bộ Công an phát hiện và bắt giữ tàu Trường Nguyên 36. Thời điểm bị bắt giữ, trên tàu chở hơn 2.000 tấn than cám không rõ nguồn gốc, thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ hợp lệ.
Tương tự, ngày 24.6, tại vùng biển Cô Tô, lực lượng của hải quan Quảng Ninh kiểm tra tàu HP-3555 đang di chuyển về hướng Trung Quốc, trên tàu chở 2.000 tấn than cám không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc…
Nguyên nhân dẫn đến tình hình than lậu lại nóng trên đất mỏ cũng được coi là do số lượng các doanh nghiệp có hợp đồng bốc xúc đất đá với các công ty than thuộc Tập đoàn than - khoáng sản VN (Vinacomin) hiện khá nhiều. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đã từng xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp có hợp đồng bốc xúc đất đá nhưng lợi dụng sơ hở để xúc than từ khai trường tuồn ra ngoài và công khai chạy trên quốc lộ. Các bãi than trung chuyển cũng hình thành gần các khai trường, khi có thời cơ sẽ chuyển xuống các cảng và xuất đi.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc mới đây, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhìn nhận: “Tình hình khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái diễn. Sự phối hợp giữa các đơn vị sản xuất than và chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa chủ động, thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên. Công tác quản lý ranh giới khai thác mỏ, ranh giới quản lý tài nguyên trong doanh nghiệp ngành than cũng có mặt buông lỏng, gây khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên”.
Cũng tại cuộc làm việc này, ông Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu Tập đoàn Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc chỉ đạo các đơn vị thành viên trong quý 3/2014 phải chấm dứt việc thuê các doanh nghiệp bên ngoài bốc xúc đất đá, vận chuyển than. Đồng thời tăng cường công tác quản lý chặt chẽ khai trường, đường vận chuyển, bãi thải… để chống thất thoát tài nguyên và "kiên quyết kỷ luật nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm, nhất là người đứng đầu”.
Nhòm ngó là... rút súng
Ở góc độ khác, khi việc khai thác, vận chuyển… than lậu “nóng” lên thì tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trở nên phức tạp. Công an tỉnh từ đầu năm đến nay đã xử lý hình sự một số đối tượng liên quan đến việc tranh giành lãnh địa làm ăn tại các bãi than. Đặc biệt trong đó là vụ việc xảy ra đầu năm 2014. Thời điểm đó công an tỉnh đã bắt Trần Hùng (35 tuổi, ở TP.Cẩm Phả) về hành vi đe dọa giết người do khi thấy một số công nhân đang chặt cây, phát cỏ đã nghi số người này nhòm ngó khu vực làm than của mình, nên đã rút súng bắn.
|
Trước đó, tháng 6.2013, anh trai Hùng là Trần Quốc Dũng, tức Dũng Phương (37 tuổi, ở TP.Cẩm Phả) cũng đã bị Công an Quảng Ninh bắt giam về hành vi bắt giữ người trái pháp luật cũng vì liên quan đến việc tranh giành đất làm than.
“Thất thoát mỗi năm khoảng 5 triệu tấn than...” Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, Tập đoàn than - khoáng sản VN (Vinacomin), cho rằng: “Qua vụ việc buôn lậu mấy trăm ngàn tấn than vừa rồi được cơ quan điều tra Bộ Công an phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh phát hiện đã cho thấy tình trạng buôn lậu than vẫn rất nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài nguyên quốc gia. Trước đây, Tập đoàn Vinacomin có báo cáo, mỗi quý mất khoảng 2 triệu tấn than do buôn lậu thì 1 năm mất chừng 8 triệu tấn. Đó là con số rất kinh khủng. Bây giờ nó có thể giảm đi do hiện nay, nhu cầu tiêu thụ than bên Trung Quốc trong 1 - 2 năm nay cũng giảm mạnh, nhưng đối chiếu chênh lệch con số than nhập khẩu do hải quan Trung Quốc công bố với lượng than xuất khẩu của VN mà hải quan VN cung cấp vẫn có sự chênh lệch đâu đó khoảng 5 triệu tấn thì tôi tin đó chính là con số thất thoát do buôn lậu. Bởi vì sao? Vì hải quan Trung Quốc họ làm rất chặt chẽ, không tàu thuyền chở than nào của VN sang đó mà họ lại không thống kê. Hơn nữa, các đơn vị nhập than của Trung Quốc được trợ giá khi nhập than từ VN nên họ không dại gì không kê khai, báo cáo với hải quan. Trong khi đó, những con số than xuất đi từ ta, nếu không phải qua hải quan, không được các đơn vị biên phòng xác nhận, cho phép thông quan thì chắc chắn là hàng lậu”. “Hàng triệu tấn than thất thoát mỗi năm như vậy gây thất thoát rất lớn cho đất nước vì cứ tính 1 triệu đồng 1 tấn thôi thì 5 triệu tấn là đã làm thất thoát ít nhất 5.000 tỉ đồng. Tôi thấy rất đáng tiếc là chính ngành than chúng tôi lại chưa làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu mà thường lại do địa phương phối hợp với cơ quan công an phát hiện ra. Tôi biết là hiện nay, thất thoát từ khai thác than, khiến nguồn than được đưa ra ngoài, vận chuyển, buôn lậu sang Trung Quốc là do quản lý rất lỏng lẻo, nhất là trong quản lý về kỹ thuật khai thác, làm không được chặt chẽ như nhiều năm trước đây nên dễ dẫn đến có chỗ này, chỗ kia kê khai khống về lượng đất đào, lượng than khai thác... Giá thành khai thác vừa cao mà lượng than khai thác bị thất thoát, tuồn ra ngoài cho buôn lậu lớn”, ông Sơn nhìn nhận. M.Q |
Phạm Hải Sâm
>> Tạm giữ 700 tấn than lậu
>> Bắt tàu chở 800 tấn than lậu
>> Bắt tàu chở 2.000 tấn than lậu
>> Phát hiện tàu chở gần 2.000 tấn than lậu
>> Cảnh sát biển bắt tàu chở 1.400 tấn than lậu
Bình luận (0)