Thanh Hóa: 'Giằng co' giá đền bù, dân khổ, dự án chậm tiến độ

08/07/2020 09:46 GMT+7

Nhiều năm liền, các hộ dân ở khu phố Phan Bội Châu 4 (P.Tân Sơn, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nộp thuế đất ở 8 triệu đồng/m 2 , nhưng chỉ được áp giá đền bù 6 triệu đồng/m2 khi có dự án đường giao thông đi qua nên không đồng tình, dự án chậm tiến độ.

Nộp thuế 8 triệu đồng/m2 nhưng chỉ được đền bù 6 triệu 

Theo đơn phản ánh của 10 hộ dân khu phố Phan Bội Châu 4 (P.Tân Sơn, TP.Thanh Hóa), từ năm 2012, người dân liên tục nộp tiền thuế đất phi nông nghiệp (đất ở) theo khung giá 8 triệu đồng/m2.
Việc tính giá đất nộp thuế 8 triệu đồng/m2 khi đó được thực hiện theo Thông tư số 153/2011/TT-BTC ngày 11.11.2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Quyết định số 4293/2011 ngày 21.12.2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định về loại giá đất năm 2012 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, đến năm 2017, khi thực hiện việc kiểm kê, áp giá đền bù để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đại lộ Đông - Tây, đoạn từ TT.Rừng Thông (H.Đông Sơn) đến QL1A (qua địa bàn TP.Thanh Hóa), UBND TP.Thanh Hóa chỉ áp dụng mức giá đất đền bù là 6 triệu đồng/m2.
Cho rằng UBND TP.Thanh Hóa đã áp giá tiền bồi thường đất ở thấp hơn mức giá nộp thuế, gây thiệt thòi, nhiều năm qua, người dân khu phố Phân Bội Châu 4 đã làm đơn kiến nghị để đòi quyền lợi.
Ông Lê Thanh Vân (50 tuổi, phố Phan Bội Châu 4, P.Tân Sơn), 1 trong 10 hộ dân có đơn kiến nghị, cho biết gia đình ông và các hộ dân đồng tình, ủng hộ để TP.Thanh Hóa thực hiện dự án, nhưng cách tính giá đền bù về đất ở là chưa hợp lý.
“Không lý gì chúng tôi nộp tiền thuế đất nhiều năm qua, được tính mức 8 triệu đồng/m2, mà nay thu hồi lại tính đền bù có 6 triệu đồng/m2. Chúng tôi không đòi hơn, mà chỉ yêu cầu thành phố áp giá đúng như mức người dân chúng tôi đã nộp thuế”, ông Vân nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn 2012 - 2016, người dân khu phố Phan Bội Châu 4 nộp thuế đất ở theo định giá 8 triệu đồng/m2 theo quy định.
Luật cũng quy định, đối với thuế đất phi nông nghiệp, phải tính ổn định trong chu kỳ 5 năm liên tục (tức 2012 - 2016). Đến các năm 2017, 2018, nhiều hộ dân vẫn kê khai và nộp thuế theo giá 8 triệu đồng/m2.
Dù vậy, năm 2017, khi áp giá đền bù, UBND TP.Thanh Hóa lại chỉ dựa vào bảng giá đất năm 2014 (áp dụng cho giai đoạn 2015 - 2019) của UBND tỉnh, để áp giá đền bù 6 triệu đồng/m2, dẫn tới việc người dân phản ứng.

Chậm tiến độ vì vướng giá đền bù

Bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch UBND P.Tân Sơn, cho biết để đảm bảo quyền lợi cho người dân, phường này đã có báo cáo và kiến nghị UBND TP.Thanh Hóa xem xét để áp giá đền bù cho người dân theo mức giá đất ở 8 triệu đồng/m2.
“Từ năm 2012, các quy định chỉ rõ vị trí đất của các hộ dân là vị trí 2, có mức giá 8 triệu đồng/m2. Sau đó, Quyết định 4545 (quy định bảng giá đất giai đoạn 2015 - 2019) ra đời thì chỉ có 6 triệu đồng/m2. Nhưng từ trước đó, người dân đã nộp 8 triệu đồng/m2, nên họ tiếp tục khai và nộp theo mức đó (tức mức 8 triệu đồng/m2). Tôi cũng đã có ý kiến rất nhiều trong các hội nghị, rất muốn theo nguyện vọng của các hộ dân”, bà Hoa nói.
Trong khi đó, ông Tào Minh Hạnh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Thanh Hóa (thuộc UBND TP.Thanh Hóa), đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện việc kiểm kê, áp giá đền bù, cho rằng thành phố đang làm đúng theo quyết định (bảng giá đất) của UBND tỉnh Thanh Hóa.
“Chúng tôi áp giá là theo khung giá quy định tại bảng giá đất của UBND tỉnh, cho giai đoạn 2015 - 2019”, ông Hạnh nói. Ông Hạnh cũng thừa nhận đã biết người dân nộp thuế đất ở 8 triệu đồng/m2, nhưng cho rằng, khi thực hiện việc áp giá thì phải thực hiện theo quyết định bảng giá đất của tỉnh.
Về quy trình xác định vị trí và việc áp dụng thuế, ông Hoàng Văn Thắng, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thuế TP.Thanh Hóa, cho biết thuế phi nông nghiệp phụ thuộc vào tờ khai của người nộp thuế và tờ khai căn cứ áp giá trên cơ sở xác định của cán bộ địa chính và chủ tịch phường, xã.
“Theo quy định, áp vị trí đoạn đường đó bao nhiêu là trách nhiệm của phường, xã, mà trực tiếp là cán bộ địa chính và chủ tịch UBND phường, xã. Sau khi có tờ khai thuế, trên cơ sở tờ khai đó, cơ quan thuế sẽ lập bộ thuế để kiểm soát. Nên cơ quan thuế không can thiệp vào việc thu thuế đất phi nông nghiệp”, ông Thắng nói.
Vụ việc trên kéo dài nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm và với cách lý giải của đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Thanh Hóa, không biết khi nào mới có thể vừa đảm bảo quyền lợi người dân, vừa có mặt bằng để triển khai dự án.
Dự án đại lộ Đông - Tây TP.Thanh Hóa được phê duyệt năm 2016, có chiều dài gần 5 km. Với mức đầu tư gần 1.300 tỉ đồng, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 3.2019. Nhưng đến nay, đã quá hạn hơn 1 năm, khối lượng công việc mới chỉ đạt gần 20%, mà nguyên nhân do chậm bàn giao, giải phóng mặt bằng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.