Thẻ vàng IUU có thể phải chờ đến tháng 6

Chí Nhân
Chí Nhân
21/02/2019 06:52 GMT+7

Theo lịch trình, trong tháng 1.2019, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ xem xét lại vấn đề thẻ vàng của ngành hải sản VN.

Tuy nhiên việc này đang bị trì hoãn, trong khi đó doanh số xuất khẩu thủy sản của VN sang thị trường EU đang bị thiệt hại nặng.
Năm 2019, ngành thủy sản đặt kế hoạch xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỉ USD, trong đó ngành tôm đạt 4,2 tỉ USD, cá tra 2,3 tỉ USD và hải sản 3,5 tỉ USD. Với hải sản, để đạt được con số trên, vấn đề tiên quyết là phải “gỡ” được thẻ vàng chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) của EU vì đây là một trong những thị trường tiêu thụ quan trọng.

Xuất khẩu giảm đến 20%

Năm 2018, các nhóm hàng hải sản xuất khẩu đều tăng trưởng với tổng giá trị đạt trên 3,1 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu xét theo thị trường thì một trong những thị trường quan trọng nhất là EU lại tăng trưởng âm.
Cụ thể, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), năm 2017, xuất khẩu mực và bạch tuộc VN sang thị trường EU tăng trưởng trên 50% nhưng năm 2018 chỉ đạt 83%, giảm gần 22% so với năm 2017. Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, EU là thị trường quan trọng của ngành hải sản xuất khẩu VN.
Giai đoạn 2013 - 2018 doanh số xuất khẩu sang EU liên tục tăng trưởng khoảng 8%/năm và chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch toàn ngành. Riêng năm 2018, do tác động của thẻ vàng, nhiều mặt hàng tăng trưởng âm với mức giảm từ 4 - 20%; riêng cá ngừ chỉ tăng trưởng bằng một nửa năm 2017.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng để đạt mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỉ USD trong năm 2019 cần phải gỡ được thẻ vàng của EU và phục hồi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này. Quan trọng hơn, gỡ thẻ vàng còn nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

Phập phồng chờ phán quyết

Theo lộ trình, trong tháng 1.2019, nhóm chuyên gia kỹ thuật của EU sẽ sang VN để đánh giá lại việc tuân thủ các quy định IUU của VN. Tuy nhiên lộ trình này đã được dời lại vì cuối năm 2018 vừa có một đoàn sang và một lý do quan trọng hơn là luật Thủy sản mới 2017 có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. Luật này được xây dựng dựa trên một số khuyến nghị của EU để xây dựng nghề cá bền vững. Chính vì vậy EU cần thêm thời gian để xem việc áp dụng các quy định của luật vào thực tế như thế nào.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, cho biết: Hiện chúng ta chưa có thông tin chính thức nào và một số thông tin bên lề lại cho là có thể tới tháng 6. "Trong thời gian qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực làm tất cả khuyến nghị của họ. Vấn đề bây giờ phụ thuộc vào phán quyết của họ", ông Nam nói.
Cuối năm 2018, phái đoàn Ủy ban Nghề cá EU đã đến VN để xem xét các nỗ lực của VN trong việc tuân thủ các quy định IUU và đã đánh giá cao các nỗ lực này. Mới đây, EU đã xóa thẻ vàng đối với ngành hải sản Thái Lan. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp hồi hộp chờ đợi một tin tức tốt lành cho ngành hải sản VN. Tuy nhiên để được EU xóa thẻ, Thái Lan đã mất hơn 4 năm.
Đánh bắt bất hợp pháp bị phạt đến 1 tỉ đồng
Theo luật Thủy sản 2017, có hiệu lực từ 1.1.2019, định kỳ 5 năm 1 lần, Bộ NN-PTNT thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản để bảo vệ và khai thác có hiệu quả, bền vững. Lần đầu tiên luật cũng quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và các loài có tập tính kết đàn. Việc cấp phép khai thác thủy sản được phân cấp cho UBND cấp tỉnh. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng 1 lần. Các hành vi khai thác vi phạm các quy định IUU sẽ bị chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng; mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỉ đồng, thu hồi giấy phép khai thác đối với cá nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.