Gian nan gỡ thẻ vàng IUU

Chí Nhân
Chí Nhân
26/09/2018 07:02 GMT+7

Các doanh nghiệp cho biết xuất khẩu vào EU sụt giảm 20 - 30% sau khi VN bị EU phạt thẻ vàng, nhưng công cuộc gỡ thẻ vẫn còn rất nhiều gian nan.

Đó là nội dung chính của Hội nghị đánh giá một năm triển khai chương trình doanh nghiệp (DN) hải sản cam kết chống khai thác IUU do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) tổ chức vào ngày 25.9, tại TP.HCM.
Chỉ 30 - 40% nguyên liệu làm được hồ sơ
Trong năm 2018, xuất khẩu hải sản vào EU có chiều hướng giảm sâu và liên tục. Từ tháng 1 - 8, tổng xuất khẩu hải sản của VN vào EU chỉ đạt 252 triệu USD, giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2017. “Xuất khẩu các mặt hàng như: mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận, xác nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU”, bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc VASEP, nhận định.
Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP thủy sản Bình Định, sau khi VN bị thẻ vàng, gần 100% hàng bị dừng tại hải quan châu Âu kiểm tra, phát sinh chi phí rất lớn, khách hàng mất nhiều thời gian để nhận hàng, lượng hàng hóa xuất khẩu vào EU giảm đến 20 - 30% so với năm trước… Một số mặt hàng đặc thù của thị trường EU, nay muốn chuyển hướng thị trường cũng rất khó khăn. “Chưa kể các thị trường khác biết mình gặp khó ở EU cũng kiếm cớ để ép giá. Sự tác động dây chuyền của thẻ vàng rất lớn”, bà Lan nói.
Bà Lan nhận xét Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT liên quan sản xuất kinh doanh ngành nghề thủy sản, khi triển khai thực hiện có rất nhiều khó khăn vướng mắc, các địa phương triển khai không đồng nhất. Để có giấy xác định nguồn gốc nguyên liệu mất đến 3 tháng, nhiều lần “kêu” cũng còn tới 2 tháng.
Cụ thể theo quy trình, khi tàu chuẩn bị cập bến DN phải báo cáo với cảng cá. Đến khi tàu cập bến, DN sẽ mời nhân viên cảng cá đến kiểm tra giám sát nguồn nguyên liệu. Tất cả nguyên liệu đều có xác nhận của nhân viên cảng. Một trong những hồ sơ quan trọng mà chủ tàu (thuyền trưởng) phải cung cấp cho bên mua hàng là nhật ký khai thác. DN mang tất cả hồ sơ này nộp cho cảng cá, nhưng cảng cá lại không có đủ cơ sở thông tin, dữ liệu để kiểm tra nhật ký của tàu. Chính vì vậy, cảng cá phải chuyển hồ sơ đó lên Chi cục thủy sản tỉnh. Kiểm tra xong đơn vị này trả lại cho cảng cá, lúc này cảng mới cấp xác nhận cho DN. Sự chồng chéo gây mất rất nhiều thời gian và chi phí của DN.
Đại diện một số DN phản ánh, thực hiện Nghị định 48, mỗi năm ngư dân được hỗ trợ xăng dầu 4 lần. Cứ có đợt hỗ trợ, ngư dân sẽ nhắn tin thông báo ngư trường khai thác về cho cơ quan chức năng, còn những đợt đánh bắt không được hỗ trợ ngư dân không nhắn tin. Vì thế DN không biết tàu nào có nhắn tin tàu nào không. Khi cảng và chi cục kiểm tra đối chiếu thông tin thì số tàu nhắn tin chỉ 30 - 40%.
Cảng than “hạ tầng yếu, nhân lực kém”
Trước ý kiến của DN, lãnh đạo cảng cá tỉnh Quảng Ngãi phân trần từ năm 2017, cảng này phải hoàn toàn tự chủ về tài chính. Đơn vị này quản lý 5 cảng cá, kể cả bộ phận văn phòng nhưng nhân lực chỉ có 31 người, có cảng chỉ có 2 - 3 người làm việc trực tiếp. Về cơ sở hạ tầng, có nơi chiều dài cảng chỉ có 60 m neo đậu được 2 tàu. Chính vì vậy mà có đến 90% tàu cá của tỉnh khi đánh bắt về chỉ cập bến nhà không vào cảng.
“Tàu không vào cảng, chúng tôi không thể kiểm tra giám sát để cấp xác nhận nguồn gốc. Không có giấy phép ra vào cảng, lực lượng biên phòng không cho ra khơi. Các DN, ngư dân làm đơn kiến nghị nhưng chúng tôi cũng không biết trả lời như thế nào. Cơ sở hạ tầng, nhân lực do nhà nước trước đây đầu tư hạn chế”, theo lãnh đạo cảng cá tỉnh Quảng Ngãi.
Tàu cập bến nhà mà không vào cảng là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương. Lãnh đạo cảng cá tỉnh Tiền Giang thông tin: Ngoài lực lượng mỏng, năng lực của nhân viên cảng cá rất hạn chế, đa phần chỉ làm những công việc phổ thông, nay theo quy định họ phải đảm nhận khối công việc lớn, đặc thù của cán bộ thủy sản nên khó mà làm tốt được. Bên cạnh đó, chính sách pháp lý chưa hoàn thiện nên khó thống nhất tổ chức thực hiện. Cái khó của cảng kéo theo cái khó của DN.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cần tổ chức lại đội tàu khai thác hải sản trên các vùng biển phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi; đào tạo, nâng cao khả năng thực thi của các cơ quan quản lý địa phương; cung cấp hằng tháng dữ liệu “nguồn lợi” và “sản lượng khai thác” cho cộng đồng DN hải sản; công bố công khai và cập nhật thường xuyên danh sách các tàu VN và quốc tế vi phạm IUU trên website của Tổng cục Thủy sản…
“Hiệp hội sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi làm việc với các bên liên quan để thu thập ý kiến, đề xuất giải quyết khó khăn nhằm tham vấn Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện và sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật thủy sản, cũng như sửa đổi các thông tư, nghị định liên quan”, ông Hòe nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, nhấn mạnh: “Chúng ta phải xác định tinh thần không chỉ nỗ lực xóa thẻ vàng của EU mà còn vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm”.
Ông Dương Tiến Thể, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết: Cuối tháng 10 năm nay, Chủ tịch Ủy ban Nghề cá của châu Âu sẽ sang VN kiểm tra tình hình thực hiện việc chống khai thác IUU. Chương trình dự kiến sẽ làm việc tại Bình Định và Hải Phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.