'Thủ phủ' thanh long Bình Thuận họp khẩn đối phó dịch cúm Corona

Quế Hà
Quế Hà
01/02/2020 18:26 GMT+7

Do ảnh hưởng của dịch cúm viêm phổi Corona chủng mới từ Trung Quốc , hàng loạt cửa khẩu biên giới phía bắc giáp Trung Quốc bị đóng cửa. Do vậy, thanh long Bình Thuận nói chung và của Việt Nam nói riêng đang dồn ứ.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Phan Văn Tấn, hiện nay trong các kho chứa thanh long tại Bình Thuận còn khoảng 4.000 tấn  chưa xuất được. Sức mua của các nậu vựa thanh long gần như đứng lại, hoặc có thu mua thì với giá rất rẻ, chỉ 4.000 đồng/kg.
Trong khi đó, đây đang là mùa thu hoạch thanh long trái vụ, do bà con nông dân chong đèn. Ông Phan Văn Tấn tính toán, hiện diện tích trái chín còn treo trên cây khoảng từ 8.000 đến 10.000 ha, tương đương khoảng 100.000 tấn trái sắp thu hoạch.

Hiện toàn tỉnh Bình Thuận đã có khoảng 10.000 ha thanh long trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP

Ảnh: Quế Hà

Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam Trần Ngọc Diệp (nơi được mệnh danh là huyện thủ phủ thanh long Việt Nam với gần 12.000 ha) cho biết, hiện nay trái chín trên cây của bà con còn khá nhiều dù không nói con số cụ thể. Theo Chủ tịch huyện Hàm Thuận Nam, năm nay thanh long vừa mất mùa, do chong đèn trái vụ ra ít trái. Mặt khác, thời điểm trước tết giá cao nhất cũng chỉ 17.000 đồng (cùng thời điểm năm trước là 28.000 - 30.000 đồng), được vài ngày sau đó giá tụt dốc ngay. “Đợt này là đợt thứ hai của lứa chong đèn trái vụ lại gặp đại dịch Corona, không xuất đi Trung Quốc được, nên bà con nông dân đang lo ngại”.

Đóng gói thanh long để xuất qua Trung Quốc ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận

Ảnh: Quế Hà

Ông Nguyễn Trọng Hòa, một nông dân xã Hàm Minh cho biết hiện ông có 650 trụ đang treo trái chín. Trước tết có thương lái Trung Quốc vào xem vườn, nhưng giờ này trái thu hoạch được thì họ về nước rồi. “Nếu mùa này không bán được, hoặc họ chỉ mua giá 4.000 đồng thì gia đình tôi thua lỗ vài chục triệu tiền điện, phân bón là cái chắc” - ông Hòa loa ngại.

Bình Thuận là “thủ phủ” thanh long của cả nước với diện tích hơn 30.000 ha, mỗi năm cho sản lượng trái khoảng 500.000 tấn, chủ yếu vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, chiếm khoảng 70%. Số còn lại xuất khẩu chính ngạch ở một số thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan và tiêu thụ trong nước.

Doanh nghiệp họp khẩn đối phó dịch Corona

Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Biện Tấn Tài, cho biết thực hiện chỉ đạo khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh, ngay ngày mai (2.2) dù là chủ nhật nhưng Sở đã triệu tập cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh bàn giải pháp tiêu thụ thanh long. Sau đó, dự kiến ngày 3.2, lãnh đạo Bộ NN-PTNT sẽ có cuộc làm việc với các tỉnh có nhiều thanh long như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An… để tìm giải pháp tháo gỡ. Cũng theo ông Biện Tấn Tài, hiện nay nhiều cửa khẩu chuyên xuất tiểu ngạch thanh long bị phía Trung Quốc đóng cửa, tạm ngưng nhập hàng hóa, trái cây do vậy lượng trái không xuất được đang ùn ứ do bất khả kháng. Hiệnnay Văn phòng Ủy ban điều phối Kinh tế - thương mại - đối ngoại Quảng Tây (Trung Quốc) có thông báo: “Tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới tuyến biên giới tỉnh Quảng Tây cho đến hết ngày 8.2.2020. Ngoài ra, các cửa khẩu phụ ở thành phố Bằng Tường - Quảng Tây cũng đóng cửa”.

Hiện tại trong các kho của Bình Thuận còn khoảng 400 tấn chưa xuất được, nên giá chỉ khoảng 4.000 đồng nhưng vẫn không có doanh nghiệp thu mua

Ảnh: Quế Hà

Về phía Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) kể từ ngày 29.1 đến nay đã kiểm soát gắt gao cả người và xe cộ qua lại bao gồm cả cửa khẩu Bắc Sơn (Hà Khẩu), Kim Thành (Lào Cai). Riêng Hà Khẩu sẽ dừng giao dịch thương mại đến hết ngày 8.2.2020. Tương tự, ở cửa khẩu Vân Nam (Trung Quốc) và Móng Cái (Quảng Ninh) hiện đóng tất cả đường mòn, tạm ngưng thông quan để chống dịch Corona.
Chỉ còn cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh và cửa khẩu Hoàng Mô vẫn mở cửa, nhưng được kiểm soát nghiêm ngặt người và xe cộ để phòng chống dịch.
“Sở Công thương sẽ thường xuyên giữa liên lạc, trao đổi nghiệp vụ với Sở Công thương các tỉnh biên giới để cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long bàn với các doanh nghiệp thu mua Trung Quốc nên tìm giải pháp xuất chính ngạch để tiêu thụ thanh long, không để ùn ứ”, ông Biện Tấn Tài - Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.