Hàng không, nông sản điêu đứng vì dịch

01/02/2020 07:20 GMT+7

Do Trung Quốc đóng các cửa khẩu để kiểm soát dịch nên việc tiêu thụ trái cây tại các tỉnh miền Tây hết sức khó khăn, giá cả sụt giảm khiến nhà vườn như đang “ngồi trên đống lửa”.

Thanh long chỉ còn từ 1.000 đến 5.000 đồng/kg

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 41,41 tỉ USD. Trong đó một số mặt hàng có kim ngạch lớn là thủy sản: 1,23 tỉ USD; nông sản: 2,429 tỉ USD; hạt điều: 590 triệu USD; cà phê: 101 triệu USD; gạo: 240 triệu USD; sắn và các sản phẩm từ sắn: 860 triệu USD...
Nhiều ngày qua, thương lái thu mua thanh long ở các huyện Châu Thành, Tân Trụ (Long An) chấp nhận bỏ tiền đặt cọc, do không thể xuất hàng sang Trung Quốc.

Một tiệm thuốc tây ở Nha Trang tặng 7.000 khẩu trang y tế cho người dân

Chiều 31.1, tiếp chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hồng (62 tuổi, ngụ ấp 8, xã Vĩnh Công, H.Châu Thành), chủ một vườn thanh long rộng gần 3 ha, buồn rầu cho biết chỉ cách đây 3 tuần, thương lái đến tại vườn đặt cọc mua thanh long loại 1 với giá 44.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 34.000 đồng/kg, hàng dạt thấp nhất cũng phải 10.000 đồng/kg...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch viêm phổi Vũ Hán, một số cửa khẩu tạm ngừng cho phương tiện qua lại khiến thanh long rớt giá thê thảm. Hiện thương lái chấp nhận thu mua giá thanh long loại 1 với giá 5.000 đồng/kg, số còn lại họ chỉ mua với giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. “Họ mua để nhập vào kho đông lạnh chờ khi nào cho xuất trở lại mới giao được hàng. Nếu thời gian kéo dài đến 1 tháng thì thanh long đông lạnh cũng phải bỏ đi vì không đạt chất lượng sản phẩm”, ông Hồng nói.
Chị Nguyễn Thúy Mến (31 tuổi, ngụ ấp Bình Đông, xã Bình Trinh Đông, H.Tân Trụ) kể, chị đã nhận 50 triệu đồng tiền đặt cọc của thương lái cho hơn 5 tấn thanh long đang chờ ngày thu hoạch. Nhưng khoảng 3 ngày trước, đơn vị thu mua cử đại diện đến gặp xin hủy hợp đồng, chấp nhận bồi thường cho chị mỗi tấn 5 triệu đồng và đề nghị chị trả lại 25 triệu đồng tiền cọc còn thừa.
“Số thanh long đã chín, họ bảo cứ cắt chở sang kho, họ thu mua loại 1 đồng giá 5.000 đồng/kg, số còn lại giá 1.000 đồng/kg. Tôi nhẩm tính: cắt 5 tấn thanh long mang sang, họ lựa ra loại 1 chỉ được chừng vài trăm ký, còn lại là loại dạt thì cầm chắc lỗ vì tiền thuê người cắt và chở đi đã 2.000 đồng/kg”, chị Mến than thở.

Trái cây nghịch vụ... kẹt cứng

Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh

Ngày 31.1, ông Trần Văn Sơn, người nuôi tôm ở H.Đông Hải (Bạc Liêu), cho biết mấy ngày qua giá tôm nguyên liệu giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg được thương lái mua 170.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 150.000 đồng/kg; tôm loại 40 con/kg chỉ 130.000 đồng/kg. Riêng tôm sú loại 30 con/kg từ 190.000 đồng/kg rớt xuống còn 160.000 đồng/kg.
Theo ông Sơn, với giá giảm như vậy thì người nuôi tôm sẽ lỗ nặng, bởi các khoản chi phí đầu vào như tiền điện, con giống, thức ăn, công nhân… đều tăng khá cao.
Trần Thanh Phong

Trên địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre có khoảng 15.000 ha sầu riêng, hơn phân nửa trong đó đã được nông dân đầu tư xử lý cho trái nghịch vụ. Vụ nghịch này đa số nhà vườn trúng mùa, năng suất bình quân khoảng 30 tấn/ha và đang bắt đầu thu hoạch rộ. Tuy vậy, các thương lái, đại lý thu mua sầu riêng đều không bén mảng đến vườn thu mua như trước.
“Các đại lý như chúng tôi thường đã có hợp đồng từ khoảng 2, 3 tháng trước với các thương lái, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc để cung cấp trái cây cho họ bằng đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu ở phía bắc. Giờ họ bỏ cọc, lặn mất không liên lạc được. Trong khi đó, mình cũng chịu mất cọc với nhà vườn chứ mua về bán cho ai?”, chủ một đại lý thu mua sầu riêng với số lượng lớn tại TX.Cai Lậy (Tiền Giang) chia sẻ.
Ghi nhận giá sầu riêng Ri6 hiện khoảng 30.000 đồng/kg, giá này nông dân có lãi nhẹ. Tuy vậy, loại sầu riêng được nhà vườn trồng nhiều nhất là mõn-thoong (sầu riêng Thái) chỉ có các DN có kho chứa cấp đông lớn mới thu mua một cách dè dặt ở tầm giá khoảng 25.000 đồng/kg.
“Sầu riêng Ri6 tiêu thụ được ở trong nước nên các nhà vườn nhỏ lẻ vẫn có thể bán được, nhưng các loại sầu riêng còn lại chỉ tiêu thụ xuất khẩu đường tiểu ngạch, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Tôi cũng đang có kế hoạch thu mua khoảng 150 tấn sầu riêng mõn-thoong để trữ trong kho. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, khách hàng tại Đài Loan cũng thông báo không nhập hàng, mỗi thị trường Nhật Bản là chúng tôi vẫn đang cung cấp hàng bằng đường máy bay”, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu (H.Chợ Lách, Bến Tre), cho biết. Tương tự, chôm chôm nghịch vụ tại 2 huyện Châu Thành, Chợ Lách (Bến Tre) đã giảm trong 3 ngày qua từ 30.000 đồng/kg xuống còn 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Nhà nông mất trắng

Hàng không Việt Nam ngưng khai thác nhiều đường bay đến Trung Quốc 

Chiều 31.1, Hãng Vietnam Airlines và Jetstar Pacific ra thông cáo báo chí cho biết sẽ thay đổi kế hoạch khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc để ngăn ngừa lây lan vi rút Corona.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam đi Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến từ ngày 4.2, đi Thành Đô từ ngày 5.2, đi Macau từ ngày 6.2. Đối với các đường bay đi Hồng Kông, hãng sẽ tạm ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Hồng Kông từ ngày 6.2 và giảm tần suất đường bay TP.HCM - Hồng Kông từ 10 chuyến/tuần xuống 7 chuyến/tuần. Còn Jetstar Pacific cũng tạm ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Hồng Kông từ ngày 6.2, Hà Nội - Quảng Châu từ ngày 9.2 và TP.HCM - Quảng Châu từ ngày 11.2.
Đại diện hai hãng này cũng cho biết, hãng sẽ hoàn vé miễn phí hoặc chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay sớm trước khi hai hãng tạm ngừng khai thác. Tất cả hành khách, đặc biệt là công dân Việt Nam tại Trung Quốc có kế hoạch về nước trên chuyến bay của hai hãng, nên chủ động sắp xếp lịch trình trở về nước trước hạn nêu trên.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin các thương lái Trung Quốc đặt cọc mua thanh long từ trước tết để lấy hàng xuất khẩu sau tết nay bỏ cọc, hủy đơn hàng, không thấy quay lại. Đặc biệt, trong mấy ngày qua, có rất nhiều xe tải chở dưa hấu, thanh long, khoai lang tím để xuất khẩu đường bộ sang Trung Quốc buộc phải quay xe về vì có lệnh không thông quan hàng hóa. “Hơn 80% trái thanh long Việt xuất sang Trung Quốc, hơn 60% dưa hấu Việt cũng bán thị trường này. Xoài, sầu riêng, mít… đều xuất “ầm ầm” sang thị trường Trung Quốc vào mùa thu hoạch. Nếu không xuất hàng đi được Trung Quốc, coi như bán đổ bán tháo thị trường trong nước nhưng rất khó. Với trái thanh long, nhà nông coi như lỗ trắng tay”, ông Hiệp cho biết.
Một DN chuyên trồng và xuất khẩu thanh long lớn tại Bình Thuận đã lên kế hoạch xuất khẩu vài trăm tấn mỗi ngày ngay sau tết, nhưng với tình hình này “bán vài ba ngàn đồng mỗi ký cho thị trường trong nước cũng chưa chắc bán hết” - chủ DN này ngán ngẩm. “Trái thanh long bảo quản tốt cũng chỉ được 20 ngày, đến 25 ngày nên hàng chậm thông quan 15 ngày vẫn có thể xuất đi được. Vấn đề là hàng hóa cho xuất đi mà không ai mua, sức tiêu thụ giảm cũng như không”, ông Hiệp bổ sung và cho biết riêng trái thanh long thì vào mùa, trung bình mỗi ngày Việt Nam xuất đi 300 - 400 container sang Trung Quốc.
Theo bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu, trên 80% chợ thủy, nông sản tại Trung Quốc đóng cửa, người dân không ra khỏi nhà nên sức tiêu thụ giảm cực mạnh, khách hàng Trung Quốc hủy đơn khiến các DN Việt Nam khốn đốn. Một số hợp tác xã đang chờ liên kết với các công ty chế biến, làm nước ép để nhờ tiêu thụ bớt sản lượng thanh long tồn kho, nhưng số lượng nhà máy chế biến không đáng kể. Dịch bệnh, nông sản muốn tiêu thụ trong nước cũng khó vì người dân hạn chế ra đường, khách du lịch giảm, sức tiêu thụ vốn đã không cao, nay lại càng giảm mạnh.
“Đợt này, vựa nhỏ thiệt hại thấp nhất cũng phải tới 2 tỉ đồng, các vựa lớn thiệt hại không dưới vài chục tỉ đồng. Với trái thanh long, DN phải đặt cọc, mua từ trước khi cây ra hoa, kết trái. Nếu bây giờ rút hết tiền cọc thì nhiều DN thậm chí sẽ phải phá sản, không còn DN tiêu thụ hàng cho nhà nông”, bà Vy nói.
Không chỉ nông sản, nhiều ngành sản xuất trong nước đang phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc cũng đối mặt với khó khăn. Một DN chuyên may hàng xuất khẩu ren ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết trung bình mỗi tháng, DN đặt mua hàng phụ liệu và vải từ Trung Quốc hàng chục tỉ đồng. Đơn hàng gần nhất trị giá 12 tỉ đồng tháng trước Tết Nguyên đán. Sau tết dự định ngày 3.2 sẽ mở xưởng làm lại. Thế nhưng tình hình này, vải và phụ liệu không được thông quan nên nguy cơ tạm ngưng là rất lớn.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Intimex Việt Nam, nhận định có nhiều ảnh hưởng chồng chéo khác nhau, không riêng hàng nông sản xuất khẩu. Ví dụ các nhà máy sản xuất đóng cửa, tạm ngưng sản xuất, nguyên liệu nhập về không có công nhân làm việc, không có hàng xuất đi. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc giảm và nhiều nước trên thế giới giảm nữa do khách du lịch hạn chế đi lại. 70% cao su và một số trái cây như thanh long, dưa hấu, mít, sầu riêng... của Việt Nam đang bán sang thị trường này; khoảng 15 - 20% tiêu xuất khẩu (150.000 - 200.000 tấn) sang Trung Quốc hằng năm... dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề thời gian tới.
“Các bộ, ngành nên vào cuộc, kết nối các DN tiêu thụ mặt hàng chế biến cho các vùng trồng, hỗ trợ để tiêu thụ hàng tồn cho nông dân và thương lái. Được tới đâu hay tới đó”, bà Vy đề xuất.

Hàng không điêu đứng

Cũng vì diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi, nhiều hãng hàng không quốc tế đã quyết định ngừng khai thác các đường bay đến và đi từ các sân bay Trung Quốc. Một số hãng hàng không đã hủy toàn bộ các chuyến bay tới cuối tháng 3.
British Airways là hãng đầu tiên công bố ngừng bay đến và đi từ Trung Quốc. Lufthansa, Swiss Air, Austria Airlines, Finnair, Air Canada, United Airlines, KLM Royal Dutch Airlines, American Airlines, Delta Air Lines, Lion Air, Air Seoul... là các hãng hàng không tiếp theo có động thái ngừng khai thác các chuyến bay tới các thành phố của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tại Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet cho biết có kế hoạch ngừng bay các đường Trung Quốc từ khá sớm, các đường bay sẽ ngừng khai thác ngay từ 1.2. Trong khi đó, chiều muộn 31.1, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacifics mới chính thức thông báo hủy tất cả các đường bay đến/đi từ Trung Quốc từ ngày 3.2. Thời gian đóng cửa đường bay dự kiến kéo dài đến hết tháng 2, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát. Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng không lập tức ngưng đường bay vì vấn đề quan trọng là làm sao để khách Việt Nam đang ở Trung Quốc có thể về nước. Cần có thời gian cho khách chuẩn bị kế hoạch đi lại trước khi đường bay bị đóng.
Mỗi ngày Vietnam Airlines có 9 chuyến bay tới Trung Quốc, mỗi chuyến vận chuyển khoảng 150 hành khách. Tính trung bình, vé máy bay mỗi khách giá 150 USD/chiều. Như vậy, nếu phải đóng cửa đường bay Việt Nam - Trung Quốc 1 tháng, ước tính hãng hàng không quốc gia có thể thiệt hại tới hơn 12 triệu USD. Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Do đó việc “cách ly” hoàn toàn với quốc gia này sẽ gây thiệt hại không chỉ với ngành hàng không mà ngành du lịch cũng khốn đốn. Một số DN lữ hành ước tính thiệt hại đã lên tới vài chục tỉ đồng, chỉ trong khoảng thời gian từ Tết Nguyên đán đến nay. Tất cả các DN lữ hành phải hủy toàn bộ tour khách từ Trung Quốc sang Việt Nam và ngược lại, đóng cửa tour đưa khách đi Trung Quốc. Một loạt nhà hàng, khách sạn tại các “điểm nóng” du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng... thậm chí đã phải tạm ngưng hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.