Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải khắc phục tình trạng nông sản được mùa mất giá

09/04/2018 11:11 GMT+7

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nông sản phải đổ bỏ chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ, cục bộ chứ không phải là tình trạng chung của nền nông nghiệp cả nước, nhưng phải tìm cách khắc phục triệt để tình trạng này.

Buổi đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân diễn ra sáng nay, 9.4, tại thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) mở đầu với nhiều câu hỏi nóng về tình trạng được mùa mất giá, sản xuất dư thừa dẫn tới phải đổ bỏ, giải cứu, như đã diễn ra với một số loại nông sản thời gian qua, mới đây nhất là su hào và củ cải.
Đặt câu hỏi với người đứng đầu Chính phủ, bà Đặng Thị Dịu, nông dân ở phường Hải Hòa (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh), cho biết tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông sản là nỗi lo lớn của người nông dân. Thời gian qua, nông dân cảm thấy bế tắc khi liên tục rơi vào cảnh trồng được nhưng lại không tiêu thụ được. Một trong những nguyên nhân là do nông dân thiếu định hướng và thiếu thông tin thị trường.
“Thủ tướng có chính sách gì để các cơ quan chức năng có liên quan làm tốt công tác định hướng và thông tin thị trường, giúp nông dân tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới?”, bà Dịu nêu câu hỏi.
nong-dan-doi-thoại-voi-thu-tuong
Bà Đặng Thị Dịu đặt câu hỏi đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Ảnh Lê Tân
Cùng chung tâm tư, ông Tăng Xuân Trường (ngụ tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) bày tỏ thêm, qua báo chí, Thủ tướng và các Bộ trưởng chắc cũng nắm được tình trạng dư thừa, ế nông sản xảy ra ở nơi này nơi kia. Nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào, thậm chí đốt bỏ mía vì giá rẻ. Ngay tại thủ phủ sản xuất nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều mặt hàng nông sản như khoai tây, hành tây cũng đang xuống giá. “Đó là thực tế đáng buồn của ngành nông nghiệp nước ta”, ông Trường nói.
Trước tâm tư của nhiều nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như hiện nay, khi từ nông thôn tới đồng bằng, miền núi tới miền xuôi, sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ; nhiều loại nông sản, củ quả của Việt Nam đã tham gia các thị trường lớn, xuất khẩu có giá trị cao,... Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh ở đâu đó, vào thời điểm nào đó, vẫn xuất hiện tình trạng được mùa mất giá nông sản, và chúng ta phải tìm cách khắc phục.
“Những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước”, Thủ tướng nhận định, và cho rằng, năng lực sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã tốt, vấn đề hiện nay là phải nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ. "Ngay cả các đoàn công tác của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành đi đâu cũng tìm thị trường, giới thiệu về nông sản củ quả của Việt Nam", Thủ tướng chia sẻ.
Cho rằng việc tìm thị trường Nhà nước phải làm nhưng Thủ tướng lưu ý doanh nghiệp và người sản xuất cũng đóng vai trò quan trọng, khi sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường, phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và cần quán triệt tinh thần này đến các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp.
“Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương, chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai?”, Thủ tướng gợi mở.
Để giải quyết câu chuyện dư thừa nông sản, được mùa mất giá, cũng như nâng cao giá trị nông sản, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh chế biến nông sản hơn nữa. Dẫn ví dụ các nước nhờ có nhà máy chế biến nên trái cây, nông sản có thể bảo quản tới 6 tháng, Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp cần tham gia xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị nông sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.