Giải cứu củ cải trắng ở phía bắc vừa được khởi xướng thì phía nam, hành tím của nông dân Sóc Trăng cũng đang mất giá khiến người nông dân thua lỗ. Rất có thể, một cuộc giải cứu nữa lại đang chờ sự chung tay của cộng đồng.
Hành tím trước đây cũng đã từng là đối tượng "giải cứu" như đã từng xảy ra với củ cải trắng, khoai lang tím, dưa hấu, chuối, thịt heo... và rất nhiều nông sản khác. Đáng nói là nếu như giải cứu trước đây chỉ là giải pháp tình thế, mỗi người chung tay góp sức để giúp người nông dân vượt qua hoàn cảnh khó khăn khi nông sản ế đồng, dội chợ; thể hiện sự tương thân, tương ái; chia sẻ - giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn của người Việt thì giờ đây, giải cứu đang trở thành một giải pháp được áp dụng rộng rãi ở khắp mọi nơi, từ năm này qua năm khác; với rất nhiều loại nông sản và tần suất ngày càng dày hơn.
Tại sao một nước nông nghiệp, có nhiều nông sản xuất khẩu đứng đầu thế giới mà ngày càng nhiều các công cuộc giải cứu? Xin được nói thẳng, đó là do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền liên quan, đứng đầu là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Đáng lẽ ngay những đợt giải cứu đầu tiên, việc quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt phải được lên kế hoạch. Vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì; trồng bao nhiêu - nuôi thế nào phải được hướng dẫn, thông tin, dự báo... đầy đủ cho người dân. Nhưng thực tế thì cả chục năm qua, người dân hoàn toàn thiếu thông tin, thiếu định hướng, thiếu quy hoạch. Nên cứ thấy cái gì có giá thì lao theo trồng đại trà, tràn lan mà không cần biết đầu ra. Dẫn đến tình trạng thừa mứa, được mùa thì mất giá, bị thương lái ép giá, thậm chí phải nhổ bỏ.
Chưa hết, khâu phân phối, tổ chức thị trường cũng bị bỏ mặc. Chẳng thế mà rau quả ế nhổ bỏ đầy đồng nhưng người dân ở các TP vẫn phải mua với giá không hề rẻ. Rồi việc xây dựng ngành công nghiệp chế biến để hạn chế tình trạng được mùa mất giá và tăng giá trị cho nông sản cũng đặt ra đến vài thập niên nhưng vẫn giậm chân tại chỗ. Hầu hết rau quả thực phẩm cứ từ ruộng vườn ra thẳng chợ, tiêu thụ không kịp thì chỉ có nước bán đổ, bán tháo hoặc vứt bỏ vì hư hỏng.
Nhưng giải cứu cũng phải "khoan sức dân". Không thể cứ một năm vài lần kêu gọi người dân, doanh nghiệp giải cứu nông sản chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Quan trọng hơn, muốn xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, không thể dựa trên một nền nông nghiệp "hồn nhiên" như hiện nay. Nó đòi hỏi phải được quy hoạch từ khâu nuôi trồng, sản xuất, chế biến, phân phối..., một quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra để có sản phẩm chất lượng tốt, an toàn cho người sử dụng.
Nên thay vì giải cứu, hãy truy trách nhiệm của những cơ quan có thẩm quyền nếu muốn chấm dứt tình trạng nông sản phải đổ bỏ hay bán đổ bán tháo trường kỳ như thế này.
Bình luận (0)