Vì thế, nếu tìm trong giáo lý đạo Phật, đạo Thiên Chúa xem có nói gì về hiến tạng không thì không nên. Từ điển của Đức Phật chưa có từ hiến tạng.
Việc hiến tạng liên quan đến tư duy về sống chết. Vì thế, có tôn giáo quan niệm phải giữ cơ thể, có tôn giáo không. Đạo Hindu khi người chết, họ đốt xác. Nhưng đạo Thiên Chúa lại không vậy, họ vẫn chôn cơ thể bình thường. Tuy nhiên, đạo Phật nói về đức hy sinh, có nhiều câu về đức hy sinh hay. Đạo Phật nói về việc đừng tiếc xương máu cho người này người kia, con có thể hy sinh thân thể để cứu người này người khác. Nhiều tôn giáo nói thế cho dù không có từ hiến tạng.
Nhưng về quan niệm, cũng nhiều quan niệm về thân thể, về sự toàn vẹn của thân thể. Chẳng hạn, đạo Nho coi điều đó quan trọng. Trong Tam quốc chí, khi Hạ Hầu Đôn bị bắn tên vào mắt, ông ta rút tên ra và nuốt luôn con mắt đó, kèm theo câu nói “Tinh cha huyết mẹ không nên bỏ”. Nó thể hiện quan điểm thân thể là do tổ tiên và phải bảo lưu đến khi mình chết. Quan niệm đó cũng là chuyện thường thấy mà nhiều tôn giáo có.
Quay lại việc hiến tạng là vấn đề thời đại mới. Vì thế, nếu có quan điểm e ngại hiến tạng thì có thể tuyên truyền giáo dục để thay đổi. Vừa rồi, nhân chuyện bé Hải An 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời đã có một cú hích trong nhận thức xã hội. Khi người ta nghe nhiều câu chuyện nhân văn như vậy, người ta cũng sẽ thay đổi quan niệm dần dần. Sau đó, người ta không khư khư nghĩ đến việc giữ thân xác mình nữa. Và sau nữa, họ sẽ nghĩ thân xác mình hiến cho đồng bào còn có ý nghĩa hơn.
Đến khi nào loài người nghĩ như vậy thì sẽ ổn hơn. Tất nhiên, nói là loài người nhưng phạm vi lại chủ yếu là người Á Đông mình thôi. Ở châu Âu, người ta không quá khắt khe việc khi chết đi phải toàn vẹn cơ thể. Do đó, khả năng hiến tạng của người châu Âu nhiều hơn. Thay đổi quan niệm sợ hiến tạng ở Á Đông cũng vất vả hơn. Điều quan trọng để thay đổi là nhận thức chung của xã hội nâng cao lên để đến tầm con người quan tâm đến người khác hơn, chứ không chỉ nghĩ đến thân xác của mình nữa. Khi đó sẽ có thay đổi thôi.
Thời gian gần đây, việc hiến máu cũng tăng khả quan với nhiều chiến dịch hiến máu. Sự hồ hởi của nhiều người hiến máu cũng rất rõ. Nhưng hiến tạng là vấn đề phức tạp hơn nhiều. Tôi hy vọng quan niệm về hiến tạng sẽ thay đổi. Cứ nêu gương bền bỉ về điều tốt như trường hợp cô bé hiến tạng thì thay đổi sẽ đến dần dần. Vì dù sao thì cái tốt cũng rất dễ gây xúc động, và tác động tốt. Đời sống rồi tự nó cũng sẽ có những điều chỉnh.
Bình luận (0)