Thực phẩm thiết yếu đội giá

22/07/2021 07:08 GMT+7

Nhiều loại rau củ tại nhà vườn chỉ vài ngàn đồng/kg nhưng bán lẻ đến tay người dân TP.HCM lên vài chục ngàn đồng trong những ngày thành phố đang thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 .

Rau muống tại vườn 4.000 đồng/kg, giá cửa hàng 30.000 đồng/kg

Ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q.Bình Tân (TP.HCM), cho hay mới đây công ty tổ chức tặng 3.200 phần quà biếu cho các gia đình khó khăn. Mỗi phần quà gồm thực phẩm khô như gạo, mì, nước mắm, bột ngọt và thực phẩm tươi sống gồm vài ký thịt heo, rau muống. Tuy nhiên, khi vào cửa hàng tiện lợi để mua thì thấy giá rau muống toàn 35.000 - 40.000 đồng/kg, đắt quá nên ông quyết định cho xe lên nhà vườn tận H.Củ Chi để mua và bất ngờ khi rau muống chỉ có giá 4.000 đồng/kg. Đến nay ông đã mua khoảng 4 tấn rau muống để chia sẻ cho người dân.
Nhóm thiện nguyện Nhà báo và doanh nhân TP.HCM khi thấy giá rau tại các siêu thị quá đắt đỏ cũng đã về tận H.Củ Chi mua 11 tấn rau muống với giá 3.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Linh, đại diện nhóm, cho hay sau khi mua được rau, nhóm của bà đã nhờ các nhà xe hỗ trợ vận chuyển đến điểm tập kết trong nội thành TP.HCM để phát cho các nơi bị phong tỏa, các bếp ăn 0 đồng. Nhờ mua tận “ngọn” mà nhóm tiết kiệm được khá nhiều tiền để dùng mua rau hỗ trợ tiếp cho người dân.

Sáng 22.7: TP.HCM thêm 2.433 ca Covid-19, tổng cộng đã công bố 44.136 bệnh nhân

Không chỉ mua rau ở Củ Chi hay Hóc Môn, nhóm thiện nguyện này cũng kết hợp với người dân tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng để tìm được nguồn rau giá rẻ. Điển hình tại Gia Lai, hiện nhóm vẫn đang mua tại vườn củ cải trắng giá 4.000 đồng/kg, cải ngọt 4.000 đồng/kg, bí đao trắng 3.500 đồng/kg... Hay ở H.Đơn Dương (Lâm Đồng), tại vườn giá bắp sú, cải thảo chỉ 4.000 đồng/kg, cà rốt 5.000 đồng/kg. Còn tại các vựa rau củ quả ở H.Đơn Dương, giá bí đỏ khoảng 25.000 đồng/kg, dưa leo 11.000 đồng/kg, hành lá 10.000 đồng/kg... Trong khi đó, khảo sát tại cửa hàng Bách Hóa Xanh (TP.HCM), hiện giá rau muống hạt là 30.000 đồng/kg, rau muống nước 16.000 đồng/kg hay dưa leo 33.000 đồng/kg, nhiều loại cải 30.000 đồng/kg, hành lá 45.000 đồng/kg... Tại Lotte Mart Q.7, rau muống nước 23.800 đồng/kg, rau muống thủy canh lên gần 60.000 đồng/kg, dưa leo 29.000 đồng/kg, cải thảo 38.900 đồng/kg... Riêng hành lá trong khi giá tại vườn khoảng 11.000 đồng/kg thì nhiều cá nhân trên mạng đã “hét” từ 80.000 - 100.000 đồng/kg khiến nhiều gia đình không dám mua cọng hành nào...
Không chỉ rau củ quả mà giá trứng gà, trứng vịt hay thịt heo ở các điểm đầu mối, ao chuồng nuôi cũng giữ giá như cũ. Chẳng hạn, giá cá rô ở ao nuôi tại H.Củ Chi có giá 30.000 đồng/kg, cá lóc từ 48.000 - 50.000 đồng/kg thì nhiều điểm bán bên ngoài siêu thị, cá nhân bán qua mạng thổi lên 100.000 - 120.000 đồng/kg. Trứng gà giá bình ổn các đơn vị cung cấp là 28.000 đồng/vỉ 10 trứng, trứng vịt 33.000 đồng/vỉ 10 trứng thì các cá nhân, chợ lẻ hôm qua 21.7 vẫn “hét” giá 50.000 đồng/vỉ 10 trứng. Hay thịt heo tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) bán từ 250.000 - 280.000 đồng/kg thịt ba rọi, có lúc lên 350.000 đồng/kg sườn non... trong khi heo pha lóc tại các điểm bán sỉ ghi nhận giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tuần trước.

Giá “trục lợi”

Hàng loạt rau củ quả hiện nay tại TP.HCM đã tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp 8 - 10 lần như hành lá, rau thơm vì ngày thường những người đi chợ mua rau luôn được tặng kèm mớ hành, cọng ngò mà nay phải bỏ ra 50.000 đồng hay cả 100.000 đồng/kg. Một hộ nông dân tại H.Hóc Môn cho hay trước đây giá rau muống cắt tại vườn từ 4.000 - 6.000 đồng/kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở các quận nội thành cũng hiếm khi cao hơn 15.000 đồng/kg. Nhưng do nay nhu cầu tăng cao, chợ ngừng hoạt động thì giá bán lẻ lại nhảy vọt lên 30.000 - 35.000 đồng/kg và đây là “giá không ai tưởng tượng nổi”.
Nhiều cửa hàng, siêu thị đều giải thích rằng nguyên nhân giá bán lẻ tăng là do giá tại vườn đã tăng kèm chi phí vận chuyển, nhân công lên cao trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Linh, giá rau ở các vườn tại Gia Lai, Lâm Đồng đều không thay đổi và đều được vận chuyển miễn phí đến điểm tập kết. Nếu tính thêm cước vận chuyển về đến TP.HCM khoảng 1 triệu đồng/tấn và các chi phí khác như bốc dỡ, hao hụt... thì cũng không thể đội giá lên gấp 2 - 3 lần.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết các doanh nghiệp cung cấp trứng theo giá bình ổn của TP.HCM tới tay người tiêu dùng vẫn là 28.000 đồng/10 trứng gà và 33.000 đồng/10 trứng vịt. Giả sử hiện nay một số chi phí như vận chuyển, nhân công... tăng cao hơn khoảng 10% nữa, lên từ 31.000 - 35.000 đồng/vỉ trứng thì bình thường và người tiêu dùng vẫn chấp nhận được. Nhưng với việc đẩy giá vỉ trứng gà, trứng vịt lên 55.000 - 60.000 đồng là trục lợi nhân mùa dịch trong khi đáng lẽ những dịp này cần sự chia sẻ khó khăn nhiều hơn với người tiêu dùng.
“Chỉ có những ngày đầu thực hiện giãn cách khi nhiều người dân có tâm lý tích trữ mua nhiều cùng lúc thì các loại trứng cung không đủ cầu. Còn hiện nay khi hoạt động mua sắm đã giảm thì các siêu thị, cửa hàng đều có đủ các loại trứng. Sắp tới tôi nghĩ rằng người dân thoải mái mua mà không bị hạn chế”.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết trong vòng 1 tháng qua giá heo hơi tại tỉnh này liên tục sụt giảm. Thậm chí nguồn heo cũng dội chuồng khi hàng loạt chợ truyền thống tại TP.HCM bị ngừng hoạt động. Vì vậy hiệp hội đã tổ chức điểm bán sỉ và lẻ thịt heo bình ổn giá với một số loại như giá thịt đùi chỉ 110.000 đồng/kg, thịt vai 100.000 đồng/kg, ba rọi 130.000 đồng/kg, chân giò 90.000 đồng/kg, cốt lết 100.000 đồng/kg... Giá bán giảm nhiều nhờ đã “cắt” mọi khâu trung gian.
Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Tương Lai (H.Củ Chi), chia sẻ từ ngày 11.7 đến nay đơn vị này bắt đầu thu hoạch cá lóc, cá rô nhưng chỉ bán được khoảng hơn 10 tấn và hiện còn tồn đọng hơn 70 tấn. Trong khi trước đó nếu bình thường thì thương lái vào thu mua trong vòng 2 - 3 ngày là hết cả ao. Hiện HTX vẫn đang nhờ các cơ quan liên ngành tại TP.HCM để kết nối các điểm bán lẻ cũng như mong các địa phương tổ chức điểm bán cố định, mở lại chợ truyền thống để hộ nuôi trồng thủy sản có thể tiêu thụ được cá. Đồng thời người tiêu dùng tại TP.HCM có được cá tươi với giá thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.