Thuế tài sản 'tù mù', khó khăn cho người dân

Anh Vũ
Anh Vũ
13/12/2018 06:04 GMT+7

Theo các chuyên gia, đề xuất đánh thuế tài sản như nhà ở, đất ở, ô tô... của Bộ Tài chính sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình; thiếu sự minh bạch, bình đẳng nên phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Ý kiến trên được bàn luận tại “Hội thảo khoa học khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở VN” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách tổ chức ngày 12.12 tại Hà Nội. Trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị xây dựng luật Thuế tài sản.
Theo dự thảo, có 3 đối tượng bị chịu thuế, gồm: đất phi nông nghiệp, nhà ở; tàu bay, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên. Đối với đất tính thuế được ghi trên giấy chứng nhận sử dụng đất, giá 1 m2 đất để tính thuế do UBND tỉnh công bố hằng năm. Mức thuế suất 0,4% đối với đất ở và 0,3% đất phi nông nghiệp. Đối với nhà, diện tích nhà tính thuế gồm toàn bộ diện tích sử dụng theo quy định của pháp luật, thuế suất 0% với phần giá nhà tính thuế dưới 700 triệu đồng; 0,4% với phần giá nhà tính thuế trên 700 triệu đồng.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Việt Cường (Học viện Tài chính) đưa ra tham luận dự báo ảnh hưởng của luật Thuế tài sản lên phúc lợi hộ gia đình. Báo cáo này dựa trên số liệu “Khảo sát mức sống hộ gia đình VN năm 2016” do Tổng cục Thống kê điều tra với mẫu 9.399 hộ gia đình tại 6 vùng địa lý, bao gồm cả nông thôn và thành thị.
TS Cường chỉ ra rằng, đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng (bằng 0,89% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 851.000 đồng (bằng 0,36% tổng chi tiêu). Với ngưỡng 1 tỉ đồng, mức thuế mỗi hộ phải nộp gần 1,2 triệu đồng (bằng 0,82% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm 800.000 đồng (bằng 0,34% tổng chi tiêu)...
Thiếu bền vững
Như vậy có thể thấy, dù đánh theo phương án nào thì theo ông Cường, sẽ làm cho thu nhập của hộ gia đình giảm, đời sống hộ gia đình khó khăn hơn. Các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, chủ hộ nhiều tuổi, chủ hộ có học vấn cao bị ảnh hưởng nhiều hơn các hộ có chủ hộ là nam giới, trẻ tuổi và học vấn thấp. Các hộ gia đình có nhiều người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn các gia đình bình thường. Các nhóm dân tộc Kinh, Tày, Mường chịu ảnh hưởng lớn hơn các nhóm dân tộc khác.
Theo ông Cường, rất ít quốc gia đánh thuế trên động sản, chỉ đánh trên bất động sản; cũng ít quốc gia đánh thuế trên tài sản ròng, trừ 3 nước Na Uy, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha. “Tại một số nước, loại thuế này có tác dụng để can thiệp tình trạng bất bình đẳng nhưng không hiệu quả, vì người giàu có thể lách thuế bằng cách chuyển tài sản. Nhiều quan điểm khẳng định thuế tài sản là công cụ tốt để điều chỉnh thu nhập nhưng trên thực tế lại không phải. Hầu hết các nước quy thuế tài sản về các địa phương”, ông Cường cho hay.
PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cũng cho rằng tài sản trong quá trình hình thành đã chịu nhiều loại thuế. Nếu tiếp tục đánh thuế tài sản, mà lại đánh hằng năm, là không hiệu quả, không hợp lý và không có cơ sở, gây méo mó nguyên lý đánh thuế. “Không nên dễ dãi đưa ra một luật thuế như vậy vì phải xác định rõ ràng việc đánh thuế tài sản này là để điều chỉnh hành vi hay tăng thu cho địa phương? Nên tập trung vào thuế địa phương để đẩy mạnh quy hoạch khu dân cư theo tốc độ phát triển. Thuế tài sản muốn lâu bền phải tránh trùng với thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng nhấn mạnh tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp trong cả thu và chi để người dân biết, từ đó mới không vấp phải phản ứng từ người dân. Bên cạnh đó, cần phải xem gốc gác vấn đề thêm luật thuế, thêm sắc thuế mới. Nếu chi tiêu chưa tiết kiệm thì không thể đưa ra luật thuế hay sắc thuế mới được. “Đây là gốc lõi nhất về cân đối thu chi ngân sách của chúng ta”, ông Thành khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.