Theo Phó thủ tướng, thực hiện tích tụ đất đai, tập trung đất đai phải trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tích tụ phải đi đôi với phát triển công nghiệp, dịch vụ, phát triển ngành nghề ở nông thôn, tạo công ăn việc làm để từng bước giảm lao động trong nông nghiệp; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hóa nhằm tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp; đặc biệt, việc tích tụ đất đai, tập trung đất đai phải phù hợp với đặc điểm đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa và điều kiện thực tế ở mỗi địa phương.
Phó thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện tích tụ đất đai, tập trung đất đai. Trong đó, Bộ TN-MT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan tiếp tục xem xét chính sách, pháp luật liên quan đất đai để xác định rõ các quy định hiện không còn phù hợp thực tiễn, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo cấp trên đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp; nghiên cứu đề xuất cơ chế, quy trình khuyến khích tích tụ đất đai, tập trung đất đai tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm công bố công khai quỹ đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Từ đó hình thành quỹ đất nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, cùng với doanh nghiệp tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về đất đai, đặc biệt là quy định về các quyền, nghĩa vụ cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất...
Bình luận (0)