Đưa doanh nghiệp làm đòn bẩy hiện đại hóa nông thôn

05/11/2016 07:11 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng nông thôn mới ngày 4.11, các đại biểu cho rằng muốn thay đổi diện mạo, hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông thôn cần phải có được lực lượng doanh nghiệp song hành cùng nông dân.

Giải trình trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể lần đầu tiên thực hiện trên diện tích rộng lớn chiếm 70% diện tích với 9.000 xã, 600 huyện. Kết quả bước đầu ghi nhận, trong một thời gian ngắn huy động được hơn 1 triệu tỉ đồng đầu tư cho tam nông; 98,82% điện lưới đến hộ vùng sâu, vùng xa; 5 năm qua tạo ra 20.000 mô hình sản xuất nông nghiệp ở các cấp độ... “Năm 2016, đến thời điểm hiện tại dù thiên tai nặng nề nhưng xuất khẩu lĩnh vực nông nghiệp đạt 26,4 tỉ USD, năm nay có khả năng vượt 31 tỉ USD. Đời sống nhân dân được cải thiện một bước khi thu nhập bình quân tăng 1,85 lần”, ông Cường cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận 12 kiến nghị về mặt hạn chế của đoàn giám sát QH và các đại biểu (ĐB) chỉ ra hết sức xác đáng. Riêng về nợ đọng đến năm 2015 là 15.000 tỉ, theo Bộ trưởng NN-PTNT hiện đã xử lý còn khoảng 12.000 tỉ đồng. Khẳng định nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ cho nền kinh tế, mà còn là lĩnh vực tiềm năng, ông Cường đề nghị cần phải đầu tư thích đáng hơn nữa với nguồn lực đầu tư nhiều hơn.
Nhất quán đề ra các cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật đủ mạnh để việc thu hút thực sự các DN đầu tư vào nông nghiệp cần được xem xét là nội dung chính, là đòn bẩy về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội)
Theo ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp là vấn đề rất lớn, vừa cấp bách, vừa chiến lược, vừa có tính lâu dài. Đây là vấn đề trọng tâm và thường xuyên của cả hệ thống chính trị bởi 70% dân số nước ta làm nông nghiệp. Nếu giải quyết được vấn đề nông nghiệp tái cấu trúc lại gắn với nông thôn mới và phải đạt được yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, giải quyết việc làm và giảm nghèo, gắn với mục tiêu tái cấu trúc, kinh tế nông nghiệp, phải đạt cho được nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hàng hóa và nông nghiệp công nghệ cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp thực chất là thay đổi tập quán canh tác của người dân, chuyển từ lao động thủ công sang lao động quy mô hóa, hiện đại hóa là quan trọng nhất, việc đó người dân không tự làm được một mình, nhà nước là bà đỡ cũng không làm thay được, chỉ có một lực lượng làm được là doanh nghiệp (DN), ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) khẳng định việc nhất quán đề ra các cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật đủ mạnh để việc thu hút thực sự các DN đầu tư vào nông nghiệp cần được xem xét là nội dung chính, là đòn bẩy về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Theo các ĐB, khi DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp họ là người quyết định phân khúc thị trường, sẽ tham gia quy trình canh tác và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hướng dẫn người nông dân làm theo quy trình của mình và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Mô hình này đã được chứng minh trong thực tiễn sản xuất ở một số địa phương như Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, An Giang, trong đó đặc biệt thành công ở tỉnh Lâm Đồng với nghề trồng hoa và rau quả sạch. Khi các DN xuất hiện, các trung tâm khuyến nông, trung tâm giống vật nuôi cây trồng... trở thành đối tác hoặc đối thủ cạnh tranh với họ. Vì vậy, cổ phần hóa các đơn vị này là cần thiết, là phương án tốt nhất cho nhà nước, giảm bớt gánh nặng ngân sách, lẫn xã hội, tăng thêm nguồn lực cho xã hội, bảo đảm công bằng xã hội.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cũng nhất trí cho rằng, trong giai đoạn tới phải tập trung tạo năng lực phát triển cốt lõi cho nông nghiệp, nông thôn trên hai tuyến lực lượng chủ thể trong nông nghiệp và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho mỗi địa phương. Lực lượng chủ thể mới trong nông nghiệp chính là DN, DN liên kết với nông dân, với sự hỗ trợ khuyến khích của nhà nước. Nhà khoa học là cấu trúc sức mạnh chủ thể mới của sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo mối liên hệ gắn kết giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà DN. Không có DN dẫn dắt, không phát triển nông nghiệp theo hướng kinh doanh thị trường mới, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, khối lượng lớn, ngày càng dựa vào công nghệ để phát huy lợi thế đặc sản khác biệt, nông nghiệp sẽ không thể phát triển.
Trước đó, báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát giai đoạn 2010 - 2015 cũng yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút DN tư nhân đầu tư vào dịch vụ và hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các DN đầu tư phát triển khu vực nông thôn, chính sách khuyến khích đặc biệt cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; gắn kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà DN, nhà khoa học).
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát, giai đoạn 2010 - 2015, trong bối cảnh khó khăn đó, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân; bố trí nguồn lực quan trọng cho xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn.
Đến ngày 31.12.2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã là 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến nay, đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới; 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.