Tiền đâu hoàn thiện giao thông khu vực Nam bộ?

30/06/2019 07:35 GMT+7

Bổ sung hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL , hoàn thiện mạng lưới kết nối từ TP.HCM đi các tỉnh là nhiệm vụ cấp bách, nhưng nguồn vốn ở đâu vẫn là bài toán khó.

Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra tại hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ - vấn đề và giải pháp phát triển” do ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM phối hợp với UBND TP tổ chức sáng qua 29.6.

Vốn chỉ đáp ứng hơn 10% nhu cầu

Mở đầu hội thảo, TS Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, cho biết hạ tầng giao thông yếu kém đang là nút thắt lớn kìm hãm sự phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Toàn bộ quy hoạch đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không đã được vạch ra chi tiết nhưng tiến độ thực hiện rất chậm, nguyên nhân lớn nhất là do thiếu vốn.
Theo ông Hùng, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông VN giai đoạn 2016 - 2020 gần 1 triệu tỉ đồng nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỉ đồng. Riêng khu vực TP.HCM - địa phương được coi là trung tâm kết nối, trung tâm kinh tế của toàn vùng - nhu cầu vốn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông giai đoạn này là khoảng 500.000 tỉ đồng nhưng chỉ cân đối được hơn 1/5, tức 122.000 tỉ đồng.
Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), thông tin chi tiết: Trong giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến khu vực Tây Nam bộ có khoảng 64 dự án giao thông được triển khai, khu vực Đông Nam bộ có khoảng 38 dự án. Tổng mức đầu tư cần cho khu vực Tây Nam bộ từ nay đến 2030 là khoảng 162.000 tỉ đồng; khu vực Đông Nam bộ là khoảng 361.000 tỉ đồng, trong đó chưa bao gồm Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tính riêng giai đoạn 2021 - 2025, Tây Nam bộ cần có nhu cầu khoảng 108.000 tỉ đồng và Đông Nam bộ khoảng 175.000 tỉ đồng. “Đây chỉ là nhu cầu vốn dự kiến được tính toán dựa vào nguồn lực và khả năng thu hút vốn. Để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Nam bộ, số tiền cần lớn hơn dự báo này rất nhiều”, vị này đánh giá.

Khó thu hút vốn tư nhân

Thực tế, ngay cả các nước đang phát triển, ngân sách nhà nước cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu đầu tư về hạ tầng, 2/3 còn lại phải huy động từ các nguồn khác mà cách duy nhất là thu hút vốn tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thế nhưng ông Lê Đỗ Mười nhận định khu vực ĐBSCL rất khó để xã hội hóa các dự án giao thông. Thứ nhất, theo đúng chủ trương của Chính phủ, tất cả các tuyến đường không phải độc đạo, có đường chạy song song mới được làm dự án BOT. Tuy nhiên hiện nay hầu hết các tuyến đường tại ĐBSCL đều là độc đạo do địa hình không cho phép xây dựng thêm các tuyến song song. Bên cạnh đó, tỷ suất đầu tư cho các dự án quốc lộ rất lớn và không khả thi về mặt lưu lượng, dẫn đến việc khó khăn trong thu hút vốn tư nhân. Do đó, chỉ một số dự án đầu tư đường cao tốc và các dự án khả thi, đáp ứng đủ điều kiện mới có thể xã hội hóa. Còn lại hệ thống đường bộ và trên các quốc lộ đa phần phải sử dụng ngân sách nhà nước.
“Trong tổng nhu cầu vốn nêu trên, dự kiến nguồn vốn huy động từ xã hội hóa chỉ chiếm khoảng từ 10 - 22%, còn lại là vốn vay ODA, vốn nhà nước. Dù khó khăn nhưng muốn phát triển, nhà nước buộc phải ưu tiên vốn ngân sách để đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, mọi người hay nói vốn đầu tư dành cho ĐBSCL là ít nhưng không phải. Khu vực này được bố trí vốn lớn, thậm chí lớn hơn nhiều vùng khác nhưng do suất đầu tư từng dự án lớn nên công trình ít đi, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó trong giai đoạn tới, cần ứng dụng triệt để khoa học công nghệ mới để giảm thiểu tối đa suất đầu tư, đặc biệt là các đường cao tốc và một số dự án đường thủy”, ông Mười đề xuất.
Hầu hết các chuyên gia tại hội thảo đều thống nhất ý kiến phát triển giao thông cần gắn với việc sử dụng đất. Phải sử dụng tăng trưởng của đô thị hóa, công nghiệp hóa để quay trở lại tái đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng không chỉ các rủi ro về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính khiến các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước e ngại, một vấn đề cần quan tâm hiện nay là quỹ đất phát triển vào tay các doanh nghiệp tư nhân rất nhiều nhưng các dự án giao thông chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được vốn xã hội.
“Về vấn đề gắn giao thông với sử dụng đất, thu phí để tái đầu tư cho giao thông hiện nay cũng khó thực hiện do chưa có hành lang pháp lý, hệ thống tổ chức phù hợp. Nếu muốn thật sự phát triển, cần thống nhất chủ trương đối xử với giao thông như những loại hình dịch vụ khác”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

Liên kết nguồn lực các địa phương

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết chủ trương của TP hiện nay là liên kết cùng các tỉnh, thành, góp vốn ngân sách chủ trì giải phóng mặt bằng đối với các dự án liên tỉnh để tháo gỡ rủi ro, tạo điều kiện thu hút vốn tư nhân. TP xác định rõ muốn cùng Bộ và các tỉnh thúc đẩy nhanh các dự án giao thông, hỗ trợ phát triển liên kết vùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.