Đây là thông báo được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra hôm nay 23.7. Có trường hợp cụ thể, người tiêu dùng nhận được điện thoại về việc trúng phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng, được sử dụng để mua điện thoại trị giá 8 triệu đồng và khách hàng chỉ phải trả 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, người mua còn được tặng kèm phiếu mua hàng trị giá nhiều triệu đồng để mua hàng tại các siêu thị trên toàn quốc. Tuy nhiên, sản phẩm mà người tiêu dùng nhận được là điện thoại có giá trị rất thấp, thậm chí không sử dụng được. Cùng với đó, phiếu mua hàng không có giá trị sử dụng như quảng cáo.
Để chiếm được lòng tin của khách hàng, đối tượng lừa đảo cung cấp một số thông tin liên quan đến giao dịch trước đó như khách hàng đã mua sắm tại trung tâm thương mại A, tại siêu thị điện máy B… nên có cơ hội trúng thưởng hoặc mua hàng với giá ưu đãi…
Các thông tin liên quan này thường đúng sự thật nên dễ khiến người tiêu dùng cho rằng đây là chương trình do doanh nghiệp uy tín thực hiện. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng hình thức gửi hàng qua bưu điện và người nhận phải thanh toán tiền trước khi mở hàng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh: Việc giải quyết các vụ việc nêu trên thường khó khăn do đối tượng lừa đảo sử dụng thông tin liên hệ không chính xác như số điện thoại không chính chủ, địa chỉ giả, mạo danh tên đơn vị khác hoặc không có đủ cơ sở pháp lý để làm việc với các bên liên quan do các giao dịch đều thực hiện qua điện thoại.
Vì vậy, người dùng nên thận trọng với hình thức mời mua hàng, thông báo thông tin qua điện thoại, tin nhắn, đặc biệt là từ số điện thoại di động với thông tin doanh nghiệp mập mờ, không chính xác. Trong mọi tình huống, người tiêu dùng cần kiểm tra lại thông tin do đối tượng cung cấp để đảm bảo tính chính xác, đặc biệt lưu ý không thực hiện theo các hướng dẫn kiểm tra của đối tượng như gọi điện tới số điện thoại khác để kiểm tra… Trường hợp nhân viên bưu điện yêu cầu trả tiền trước khi nhận hàng thì nên từ chối và hủy thực hiện giao dịch.
Bình luận (0)