Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình gửi Sở Tài chính về phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông vừa được Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam, thuộc Bộ Xây dựng tính toán.
Doanh nghiệp không mặn mà
Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam cho biết đơn vị này vừa hoàn thành việc lập phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông áp dụng trên địa bàn TP.HCM, theo đặt hàng của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM). Để tính phương án giá, hai đơn vị này đã thống nhất chọn một công trình chống ngập trên địa bàn TP.HCM để làm căn cứ, cơ sở tính toán. Sau hơn 1 năm, Phân viện Kinh tế miền Nam xác định mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM là 3.668 đồng/m2/tháng.
Trước đó, sau nhiều năm thực hiện chống ngập theo phương thức đầu tư công nhưng hiệu quả chống ngập chưa cao, UBND TP.HCM đã chủ trương xã hội hóa công tác chống ngập, giải quyết kẹt xe... trên địa bàn để tận dụng nguồn lực từ xã hội. Tuy nhiên, do không có phương án giá cụ thể cho dịch vụ chống ngập nên việc kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp (DN) tư nhân còn gặp khó khăn.
Đơn cử như dự án “siêu” máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh do Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) làm chủ đầu tư. Trước tình trạng ngập nước nặng nề thường xuyên diễn ra tại “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh, Công ty Quang Trung đã đề xuất thí điểm máy bơm thông minh với công suất 27.000 - 96.000 m3/giờ, cam kết không hết ngập không lấy tiền. Sau khi vận hành qua 2 mùa mưa với 31 lần chống ngập, trong đó có 29 lần thành công và 2 lần thất bại do rác làm tắc cống, TP.HCM đã ký quyết định thuê hệ thống “siêu” máy bơm chống ngập của Tập đoàn Quang Trung từ ngày 19.4.2018. Tuy nhiên, cũng do không có giá định mức, TP loay hoay mãi hơn 45 ngày sau vẫn không tính toán được mức giá thuê cho phù hợp, khiến chủ đầu tư phải cho ngừng hoạt động máy bơm vì không đủ kinh phí duy trì. Khi đó, phía chủ đầu tư đề xuất được nhận mức giá thuê hơn 24,4 tỉ đồng/năm (đã giảm 5%) với thời gian cho thuê là 7 năm, chia ra diện tích đất chỉ hơn 20.000 đồng/năm, hơn 1.000 đồng/tháng, chưa bằng 1/3 mức giá dịch vụ chống ngập mà Sở Xây dựng đang đề xuất. Thế nhưng mức giá này vấp phải nhiều chỉ trích từ cả chuyên gia và phía TP. Phải đến giữa tháng 5.2019, hai bên mới đi đến thỏa thuận “chốt” giá thuê máy bơm ấn định ở mức 14,2 tỉ đồng/năm (đã bao gồm thuế).
Tương tự, ông Lê Trọng Vĩnh, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTECH - đơn vị hiến kế xây dựng 7 hồ điều tiết ngầm theo công nghệ Nhật Bản trên địa bàn TP (đã được UBND TP thông qua chủ trương) - cho biết dự án hiện nay vẫn “giậm chân tại chỗ” do không xác định được giá định mức. Theo ông Vĩnh, hầu hết các DN tư nhân khi đề xuất tham gia công cuộc chống ngập của TP đều ứng dụng các công nghệ tương đối mới để nâng cao hiệu quả cho các dự án. Các công nghệ đều được nhập từ nước ngoài về nhưng không có đơn giá định mức, DN không có cơ sở để tính hiệu quả dự án ngay từ ban đầu, dẫn đến tình trạng “mò kim đáy bể”. Hiện nay, các chủ đầu tư đều đang tự đưa ra mức giá đề xuất nhưng sau đó sẽ phát sinh nhiều rắc rối nếu không được chấp thuận, các bên không tìm thấy tiếng nói chung hoặc phải đưa kiểm toán vào làm việc về sau.
“Công nghệ cross-wave mà chúng tôi đang đề xuất thực hiện đã áp dụng tại Việt Nam được 5 năm rồi mà đến nay vẫn không có cơ sở tính giá. Công nghệ khoan ngầm thúc đẩy mãi cũng chưa ra được. Nhu cầu tham gia các dự án chống ngập tại TP.HCM là rất lớn nhưng chính những khó khăn này đã cản trở, khiến các DN e dè. Nhiều đối tác của chúng tôi đến từ Đức, Nhật Bản, New Zealand cũng rất quan tâm đến các dự án chống ngập tại TP.HCM nhưng không có cơ sở tính hiệu quả nên họ chưa dám bung mạnh”, ông Vĩnh nói.
|
Không nên cứng nhắc 1 mức giá
Đại diện 1 DN đang quan tâm các dự án chống ngập của TP.HCM đánh giá: Việc TP ban hành giá dịch vụ chống ngập không chỉ góp phần thu hút mà còn tăng sự cạnh tranh giữa các DN. Đây sẽ được coi là mức giá trần mà cơ quan quản lý đưa ra khi đấu thầu dự án. Với từng dự án cụ thể, các nhà thầu sẽ tính toán, điều chỉnh mức giá sao cho vừa đảm bảo lợi nhuận, vừa đáp ứng hiệu quả.
“Nói vậy để thấy đây không nên là mức giá áp vào chung tất cả các dự án trên thị trường. Chi phí cho mỗi công trình còn phụ thuộc vào những đầu việc triển khai bên trong là gì. Đơn cử công trình chống ngập cho mưa thì chỉ cần làm cống, ống bơm nhưng chống ngập do triều thì còn phải làm đê bao, trạm bơm, duy tu nạo vét thường xuyên… Chưa kể, tùy thuộc địa thế từng khu vực mà công tác thi công, xây dựng, giải pháp cũng khác nhau, chi phí khác nhau” - vị này phân tích.
Đồng tình, ông Lê Trọng Vĩnh lo ngại việc áp giá cứng cho tất cả các công trình sẽ kéo theo nhiều bất cập vì các dự án sử dụng công nghệ khác nhau thì mức chi phí cũng sẽ thay đổi khác nhau. Bên cạnh đó, việc ban hành đơn giá định mức cho các công trình chống ngập là chính sách gỡ khó bước đầu cho các DN. Muốn thật sự thu hút nguồn vốn tư nhân, TP.HCM cần có cơ chế tạo điều kiện cho các dự án nhanh chóng được triển khai nếu đã được phê duyệt chủ trương. Tránh trường hợp “trên nóng dưới lạnh”, lãnh đạo TP sốt sắng hối thúc nhưng các sở, ban, ngành bên dưới ì ạch, DN phải tự lo chạy.
Đột phá tư duy chống ngập
Thực tế, việc thiếu vốn, thiếu tiền là một trong những nguyên nhân chính khiến TP.HCM chống mãi không hết ngập. Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết: Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của TP, cần kinh phí 73.379 tỉ đồng nhưng tổng tất cả nguồn vốn bao gồm được cấp bằng nguồn ngân sách TP, hỗ trợ từ T.Ư, cổ phần hóa… mới có được 26.852 tỉ, còn cần huy động 46.527 tỉ. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, TP dự kiến sử dụng 96.527 tỉ đồng để chống ngập nhưng nguồn vốn ngân sách TP chỉ chiếm 15.851 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách T.Ư là 588 tỉ đồng. Phần còn lại huy động từ xã hội hóa và nguồn vốn ODA kết hợp PPP.
Theo TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), thời gian qua, việc phân bổ vốn cho công tác chống ngập luôn làm theo kiểu nhỏ giọt, vá víu dẫn đến các ách tắc, khó khăn không cần thiết. Trong công tác chống ngập, nếu giải pháp kỹ thuật là phần ngọn, nguồn vốn huy động để chống ngập là phần gốc thì cần tạo cơ chế đột phá giải quyết phần gốc trước. Có nghĩa là phải có cơ chế tài chính đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Lâu nay, các dự án chống ngập chủ yếu do nhà nước đảm nhận kiểu bao cấp, giải pháp hợp tác công - tư thì thường làm theo hình thức hợp đồng (BT) đổi đất lấy hạ tầng nhưng phương án xã hội hóa giống các dịch vụ công ích khác như giao thông, y tế… lại chưa được quan tâm.
Về lâu dài phải thu phí
TS Hồ Long Phi nhận định: “Việc ban hành giá dịch vụ chống ngập, mở đường xã hội hóa thu hút tư nhân tham gia vào các dự án chống ngập là bước đi đáng ra phải làm từ lâu rồi. Nhưng muộn vẫn hơn không. Tiếp đến, cần xây dựng lộ trình để huy động sức dân, tiến tới thu phí chống ngập. Các DN, chủ đầu tư và người dân sử dụng dịch vụ, góp phần gây ngập tại khu vực sinh sống, phát triển dự án thì trả tiền chống ngập tại khu vực đó”. Ông Phi nhấn mạnh: “Ở một số quốc gia, nếu người dân trả 1 đồng cho nước sinh hoạt thì phải trả thêm 2 - 3 đồng để xử lý, thoát nước. Chúng ta không chỉ cần vốn để chống ngập giai đoạn hiện tại mà còn cần dự phòng cho việc đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu trong tương lai. Nếu không thay đổi, đột phá tư duy thì không thể làm nổi”.
|
Bình luận (0)