Tranh cãi quyền sở hữu sạp tại chợ An Đông

Nguyên Nga
Nguyên Nga
25/01/2019 17:42 GMT+7

Những băn khoăn, thắc mắc tại chợ An Đông lại nảy sinh khi Ban quản lý chợ mới đây lấy ý kiến các thương nhân đang kinh doanh tại chợ về dự thảo hợp đồng điểm kinh doanh mới.

Một số ý kiến của tiểu thương cho rằng, họ có quyền sở hữu sạp chứ không phải hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh hay hợp đồng thuê quầy sạp như dự thảo. Bởi từ những năm 1989 - 1991 (thời điểm Công ty TNHH Việt Hoa do UBND Q.5 hợp tác) xây chợ, họ là những người đã góp vốn với Công ty Việt Hoa. Cụ thể, ngày 25.12.1989, Công ty TNHH Việt Hoa hợp tác với UBND Q.5 khởi công xây dựng chợ An Đông. Tháng 6.1990, Công ty mời tiểu thương vào chọn địa điểm kinh doanh trên mô hình bản vẽ. Lúc đó, giá mua sạp từ 16 - 22 triệu đồng/sạp 2,1 m2 (tùy vị trí). Đến ngày 16.1.1991, công ty bắt đầu thu tiền mua sạp của tiểu thương bằng hai hình thức thu một lần hoặc chia ra 10 lần cho quyền sử dụng 20 năm (1991-2011). Một số tiểu thương cho biết, họ nộp tiền xây dựng chợ thì phải được cấp quyền sở hữu sạp và đưa ra một số dẫn chứng, chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Rạch Ông (Q.8) được hình thành theo cách tương tự và thương nhân ở đó được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu quầy sạp.

Không có cơ sở pháp lý xác định quyền sở hữu sạp

Tuy nhiên, theo một số bản copy hợp đồng của tiểu thương cung cấp thì tại thời điểm đó, hợp đồng giữa tiểu thương với Công ty Việt Hoa là hợp đồng “cho sang nhượng quầy, sạp chợ An Đông”. Nội dung ghi rõ thời hạn cho sang nhượng quầy, sạp là 20 năm. Khi mãn hạn hợp đồng, người thuê sạp được quyền ưu tiên thuê tiếp. Hợp đồng có các điều khoản như: tiểu thương được sang nhượng sạp cho người khác, người sang sạp được miễn tiền hoa chi… Và hợp đồng hết hạn từ năm 2011 sẽ ký lại hợp đồng mới “thuê điểm kinh doanh” 10 năm với Ban quản lý Trung tâm TMDV An Đông (chợ An Đông).
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (giữa) trong một lần đến thăm và làm việc tại chợ An Đông Ngọc Dương
Trước đó, ngày 21.1, tại buổi gặp gỡ tiểu thương, ông Phạm Quốc Huy - Chủ tịch UBND Q.5 - cho hay, quận đã làm việc nhiều lần với các sở, ban, ngành thành phố, với nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ giai đoạn 1988-1991 và rà soát tất cả văn bản pháp lý liên quan đến chợ. Cho đến nay, ông Huy nhấn mạnh, chúng tôi không tìm thấy cơ sở pháp lý nào xác định tài sản trên đất đó là tài sản thuộc sở hữu của tiểu thương. Theo ông Huy, năm 1990, do chợ cũ xuống cấp, Hội đồng nhân dân Q.5 có chủ trương xây dựng lại chợ. Công ty Phát triển nhà Q.5 được giao hợp tác với Công ty Việt Hoa. Theo thỏa thuận, Công ty Việt Hoa sẽ bỏ ra 100% vốn xây dựng chợ và được khai thác quầy sạp trong 20 năm, khi hết thời hạn, quyền quản lý chợ được trả về cho UBND Q.5.
Thông tin thêm, bà Mã Thái Lan, thương nhân kinh doanh tại chợ từ trước năm 1988 đến nay cho hay, năm 1989, khi biết Công ty Việt Hoa huy động vốn để xây dựng chợ, bà đã liên hệ xin làm cổ đông, góp 500 triệu đồng và nhận cổ tức hằng tháng (2%). Lúc bấy giờ, chỉ có bà và một tiểu thương khác góp vốn xây chợ và nhận cổ tức hằng năm. Năm 1991, chợ xây xong và bắt đầu bán quầy sạp cho những thương nhân có nhu cầu. Lúc đó, bà Lan cũng đóng 22 triệu đồng để mua một sạp như bao thương nhân khác. Còn bà Khánh Huệ, kinh doanh tại chợ An Đông 30 năm, cho biết, năm 1988 chợ An Đông còn xập xệ, nền chợ sình lầy, mái tôn, vách tre… Khi có chủ trương Công ty Việt Hoa xây chợ, tiểu thương phải dời hết ra đường Trần Phú - An Dương Vương để bán hàng. Đến năm 1990, khi chợ xây đến tầng 3, nhà đầu tư mới mời tiểu thương vào chọn điểm để mua sạp thời hạn 20 năm.
Tại buổi gặp gỡ với tiểu thương, luật sư Nguyễn Văn Trung - Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - cũng nêu quan điểm, gần 30 năm trước, hợp đồng giữa thương nhân với Công ty Việt Hoa sau khi chợ đã hình thành là hợp đồng sang nhượng quầy, sạp giữa Việt Hoa với thương nhân, có thời hạn 20 năm. Về mặt pháp lý, thương nhân bỏ tiền mua quyền sử dụng và có thể sang nhượng, mua bán quyền đó cho người khác. Hết thời hạn trong hợp đồng, mặc nhiên thương nhân được hưởng quyền ưu tiên ký kết hợp đồng mới chứ không phải quyền sở hữu quầy sạp sau 20 năm đó.
An Đông là một trong những chợ truyền thống loại 1 của TP.HCM Ngọc Dương

Yêu cầu sớm tái ký hợp đồng sử dụng sạp

Những băn khoăn vướng mắc trên là một trong những nguyên nhân khiến UBND Q.5 chưa biết chính xác thời điểm để ký được bản hợp đồng mới với tiểu thương. Hiện, bản dự thảo về hợp đồng mới đang được lấy ý kiến của tiểu thương lần thứ hai. Theo bà Thái Trang, kinh doanh tại chợ An Đông, các tiểu thương đề nghị, mức phí sử dụng diện tích kinh doanh (phí chợ) nên theo quy định của UBND TP.HCM trong khi chờ quyết định mức phí mới. Cần ghi rõ trong hợp đồng, nghĩa vụ của bên A (Ban quản lý chợ) là trích bao nhiêu phần trăm để sửa chữa, bảo dưỡng chợ. Ngoài ra, cũng cần có sự linh hoạt trong các phương thức thanh toán cho thương nhân là thanh toán hằng tháng, hằng năm hoặc 5 năm một lần.
Tiểu thương chợ yêu cầu UBND Q.5 xúc tiến việc tái ký hợp đồng sử dụng sạp để ổn định làm ăn kinh doanh Ng.Ng
Thực tế, việc sửa chữa chợ An Đông đến nay vẫn được tiến hành hết sức ì ạch, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của thương nhân tại đây. Theo kế hoạch, chậm nhất năm 2017 phải xong, nhưng sang 2019, nhiều hạng mục sửa chữa chợ vẫn chưa được triển khai. “Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương trong bối cảnh chợ truyền thống phải luôn gồng mình để cạnh tranh với các trung tâm thương mại trên địa bàn. Một chợ sạch đẹp, khang trang là vấn đề sống còn của thương nhân lúc này. Việc sửa chợ đã kéo dài đến 3 năm rồi, mệt mỏi lắm rồi”, bà Thái Trang, thương nhân chợ An Đông cho hay và kiến nghị UBND Q.5 cần đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, ưu tiên hàng đầu là sớm hoàn tất việc nâng cấp cải tạo chợ. Song song đó là triển khai ký hợp đồng mới để thương nhân ổn định làm ăn kinh doanh.
Trong lần gặp gỡ, ông Phạm Quốc Huy đã xin lỗi các thương nhân vì để việc sửa chợ kéo dài, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của các tiểu thương. Ngoài ra, ông Huy thông tin, hợp đồng mới sẽ dựa hoàn toàn vào bộ luật Dân sự, thời hạn kéo dài đến năm 2028. Trước đây, tiểu thương các chợ truyền thống đóng phí chợ nhưng sau khi luật Giá có hiệu lực từ năm 2017, việc thu phí bị bãi bỏ, chuyển qua áp dụng thu theo luật Giá. Như vậy, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tài chính TP.HCM xây dựng mức giá cho các chợ tại Q.5, cơ cấu hình thành giá sẽ gồm các chi phí quản lý, phí người phục vụ, thuế giá trị gia tăng, tiền sử dụng đất hằng năm... và do thành phố ban hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.