Từ ngày 23.8: Mỗi ngày TP.HCM cần 11.000 tấn hàng hóa cho 9,4 triệu dân

Nguyên Nga
Nguyên Nga
22/08/2021 14:03 GMT+7

Con số trên vừa được UBND TP.HCM đưa ra trong Kế hoạch 2798 về đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn TP thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống Covid-19 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Từ ngày 23.8 - 6.9, chỉ tiêu cụ thể thành phố đưa ra là phải đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày cho khoảng 9,4 triệu dân.
Dự kiến trung bình mỗi ngày, nhu cầu người dân cần 10.964 tấn hàng hóa các loại. Trong đó, gạo là 1.981 tấn, lương thực chế biến (mì, bún, phở…) khoảng 660 tấn, thịt gia súc 755 tấn, thịt gia cầm 660 tấn, thực phẩm chế biến 236 tấn, trứng gia cầm 108 tấn (2,1 triệu quả), rau của quả 4.246 tấn, đường 236 tấn, sữa 1.742 tấn (1,7 triệu lít), dầu ăn 189 tấn, muối 47 tấn, nước chấm 104 tấn (79.865 lít).
Tính trung bình 1 tuần, người dân TP cần khoảng 76.747 tấn, trong 15 ngày tới khoảng 164.460 tấn.

Người đi khám bệnh, mua sắm tăng đột biến trước ngày TP.HCM giãn cách triệt để

Tương tự, nước uống của người dân khoảng 19 triệu lít/ngày, 566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang 628.969 cái mỗi ngày (18,8 triệu cái/tháng), nước sát khuẩn loại 0,5 lít khoảng 239.596 chai mỗi ngày (7,2 triệu chai/tháng).
Để tổ chức cung ứng và bảo đảm lượng hàng hóa được vận chuyển vào thành phố, UBND TP.HCM yêu cầu mạng lưới cung ứng hàng hóa tăng cường thu mua, vận chuyển lương thực, thực phẩm về TP.HCM. Trong đó có 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi và 27 chợ truyền thống đang hoạt động. Hệ thống phân phối chủ lực vẫn là chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Saigon Coop, Satra, Big C, Lotte, Vinmart, Bách hóa Xanh...
Ngoài ra, có các điểm cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm; điểm bán hàng lưu động, các cơ sở chế biến lương thực thực phẩm; tiểu thương các chợ đầu mối tổ chức thu mua hàng hóa qua các vựa từ các tỉnh thành lân cận; doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm; các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử, logistics… UBND TP.HCM chỉ đạo các hệ thống, điểm bán hàng trên tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm về TP trong thời gian tới. Đặc biệt, tăng khả năng dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình quân cho người dân TP trong 15 ngày tới.
Liên quan đến việc tổ chức phân phối hàng hóa, thực phẩm, UBND TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế đi lại... UBND TP.HCM đưa ra chỉ có kế hoạch thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc, Tổ dân phố…), lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất một lần một tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

TP.HCM chưa công bố đâu là “vùng xanh”, “vùng đỏ” trước ngày siết chặt giãn cách dập Covid-19

Như vậy, các khái niệm "vùng xanh", "vùng vàng" sẽ được tự đi chợ mỗi lần một tuần, "vùng đỏ", "vùng cam" mới "đi chợ hộ" được đề cập chiều hôm qua (21.8) trong cuộc họp chỉ đạo của TP lại không có hướng dẫn phân biệt trong bảng Kế hoạch 2798 này.
Cũng theo Kế hoạch này, trong quá trình làm việc với các đơn vị cung ứng hàng hóa, nếu thấy nguồn hàng thiếu hụt, địa phương có thể báo về Sở Công thương để hỗ trợ bổ sung và tổ chức điều phối các chuyến xe bán hàng lưu động, siêu thị mini di động để bổ sung thêm kênh hàng hóa. Vai trò điều phối, kết nối, theo dõi nguồn cung ứng hàng hóa… của Sở Công thương cũng được UBND TP.HCM nhấn mạnh trong bảng Kế hoạch này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.