Tự tạo cơ hội - Kỳ 62: Đưa đèn lồng Huế đi Tây

26/09/2014 03:00 GMT+7

Không chỉ khôi phục nghề làm đèn lồng truyền thống của gia đình, họa sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Mẫn (TP.Huế) còn khẳng định thương hiệu đèn lồng xứ Huế khi đưa chúng xuất ngoại.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 62: Đưa đèn lồng Huế đi Tây
Nguyễn Ngọc Mẫn hoàn thành những khâu cuối cùng của chiếc đèn lồng - Ảnh: Tuyết Khoa

Mang nét đặc trưng lồng đèn Huế với những họa tiết của cung đình, mỗi chiếc đèn lồng của Nguyễn Ngọc Mẫn được trau chuốt như một tác phẩm nghệ thuật. Chính ưu điểm về thẩm mỹ và chất lượng đã chinh phục những khách hàng khó tính ở Mỹ, Pháp, Nhật…

Sự đa dạng về kiểu dáng cùng hoa văn độc đáo là đặc điểm giúp khách hàng dễ dàng nhận ra đèn lồng do cơ sở của Nguyễn Ngọc Mẫn sản xuất. Đó là những hoa văn triều Nguyễn như hình con dơi, con rồng, con phụng hay các loài hoa như sen, mai, lan, cúc, trúc… với đường nét sắc sảo. Chất liệu mà Mẫn chọn làm đèn là vải gấm chứ không phải vải lụa như nhiều nơi khác vì theo Mẫn vải gấm vừa nhẹ vừa bền lại sang trọng. Một trong những chiếc đèn lồng do Mẫn thiết kế được khách đánh giá cao là chiếc đèn lồng long - lân - quy - phụng. Đèn được chạm khắc tinh xảo từ gỗ với các hoa văn long, lân, quy, phụng ở xung quanh cùng với hình con dơi ở bốn gốc, có thể xoay tròn tứ phía… Ngoài ra còn có hàng chục mẫu mã khác như đèn lồng hình sen, củ tỏi, táo quân, lục giác… Tất cả đều được bàn tay người họa sĩ này thiết kế và chăm chút.

“Để tạo ra một chiếc đèn lồng tuy nhìn rất đơn giản nhưng thực chất người thợ phải trải qua 20 công đoạn để hoàn thành. Hiện nay cơ sở đang có 20 thợ, họ được phân công làm từng khâu một để chuyên nghiệp hơn. Có lẽ tôi là vốn dân nghệ sĩ nên khá khó tính trong từng sản phẩm. Dù chỉ là những chiếc đèn lồng nhỏ tôi vẫn muốn nó đẹp nhất hoàn chỉnh nhất, khi đến tay khách hàng…”, anh Mẫn nói.

Tốt nghiệp ngành hội họa Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, sau vài năm lăn lộn trong ngành quảng cáo và thiết kế nội thất, Mẫn quyết định cùng gia đình trở về lại quê hương phục dựng nghề làm đèn lồng của tổ tiên. Bà Lê Thi Anh Phương, mẹ của Mẫn, cho biết: “Gia đình tôi vốn nhiều đời gắn bó với nghề đèn lồng nhưng do cuộc sống khó khăn nên đã chuyển vào nam sinh sống gần 20 năm. Nghề truyền thống của gia đình cũng gián đoạn từ đó. Sau nhiều năm bôn ba thì chúng tôi trở về Huế và trở lại với nghề này, điều mà gia đình Mẫn luôn trăn trở bao nhiêu năm qua...”.

Mẫn kể, một dịp về thăm quê, Mẫn nhận thấy đèn lồng các tỉnh và đèn lồng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường Huế trong khi nghề làm lồng đèn của Huế vốn không thua kém các nơi khác. Điều đó đã khiến Mẫn cùng gia đình quyết định trở về Huế mở cơ sở sản suất lồng đèn Cố Đô.

Vượt qua không ít khó khăn từ những ngày trở lại với nghề, thương hiệu đèn lồng Cố Đô đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường nội tỉnh và có mặt trên nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt… Gần đây, những lô hàng đầu tiên của cơ sở này đã đều đặn được xuất khẩu sang các nước Mỹ, Pháp, Nhật… Tính từ đầu năm đến nay, cơ sở của Mẫn đã sản xuất được trên 6.000 chiếc. Giá dao động từ 30.000 - 5.000.000 đồng/cái; tạo việc làm cho 20 người thợ và nhiều thợ mùa vụ khác.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.