Nhiều tháng qua, trên kệ các cửa hàng nông nghiệp sạch ở Đà Nẵng xuất hiện những quả dưa lưới đẹp mắt, tươi ngon, giòn ngọt và rất được thị trường ưa chuộng. “Điều đặc biệt thú vị là trái cây cao cấp này được trồng ngay Đà Nẵng, rất tươi ngon chứ không phải đến từ những vựa cây trái miền Nam hay nhập khẩu”, chị Hà Thị Thanh (P.Thanh Bình, Q.Hải Châu, Đà Nẵng), người chọn mua dưa lưới tại một cửa hàng nông sản sạch ở Đà Nẵng, hào hứng chia sẻ.
Tự xác lập quy trình
|
Quyết chia sẻ thêm về công đoạn trồng dưa lưới trong bịch giá thể với 70% xơ dừa, 20% phân bò, phân trùn quế, còn lại là phân hữu cơ, vi sinh. Hạt giống được ủ trong giá thể không qua vỉ ươm để cây nứt nhanh và lớn khỏe. Giá thể này có thể tái sử dụng, sau khi qua 2 tháng xử lý bổ sung vôi để giải quyết độ chua của xơ dừa, ủ vi sinh hãm nấm bệnh, tăng lợi khuẩn.
“Mỗi bịch giá thể trồng một dây dưa và có đường nước từ hệ thống tưới nhỏ giọt dẫn vào tận gốc. Hệ thống này giúp tiết kiệm và kiểm soát nguồn nước, cung cấp dưỡng chất đến từng gốc cây trồng, đến khi quả gần thu hoạch thì có thể chủ động ngắt đường nước tưới để kiểm soát độ giòn ngọt của dưa”, Quyết “bật mí”.
Không chỉ tự nghiên cứu quy trình, kỹ thuật trồng dưa lưới, anh Quyết còn chủ động khai thác thế mạnh tự nhiên của nắng miền Trung, kiểm soát sự hạ nhiệt đột ngột, hay những cơn mưa bất chợt, bằng hệ thống nhà màng được đầu tư hiện đại với bộ điều khiển vi khí hậu giúp kiểm soát được độ ẩm không khí, giúp cây phát triển đồng đều. “Dưa lưới ưa nắng nên khí hậu miền Trung nắng nhiều thì rất hợp, nhưng nếu để bị dính mưa nhiều là dưa hư luôn. Chính vì vậy, với loại cây cao cấp này, chọn cách trồng trong nhà màng sẽ khắc phục những nhược điểm về khí hậu. Hơn nữa, việc trồng dưa lưới ở Đà Nẵng khá phù hợp do có biên độ ánh sáng cao, thời gian có ánh sáng kéo dài từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhà màng còn có hệ thống cắt nắng, điều chỉnh cường độ ánh sáng bên trong, giúp hạn chế được tốc độ tụt nhiệt nếu thời tiết thay đổi”, anh Quyết chia sẻ.
Xây dựng thương hiệu dưa “Made in Danang”
Nghe anh Quyết nói như “chuyên gia” nông nghiệp công nghệ cao, ít ai nghĩ chưa đầy một năm trước anh còn là anh thợ sửa xe. Nhìn thấy tiềm năng thị trường thực phẩm sạch cũng như vị trí đắc địa của Hòa Vang (Đà Nẵng) trong quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, anh quyết tâm rẽ hướng sang làm nông nghiệp. Vốn liếng dành dụm được trong suốt 8 năm làm nghề sửa xe anh mang ra phục vụ cho những chuyến đi, đến khắp các trang trại công nghệ cao ở Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương học hỏi các mô hình; tự tìm hiểu kỹ thuật trên mạng…
Đầu tháng 4.2017, anh thợ sửa xe quyết định thuê lại 1 ha đất nông nghiệp ở ngay thôn Phú Sơn Nam để đầu tư nhà màng trồng dưa lưới. Nhiều người ở quê nói anh gàn khi đầu tư hơn 400 triệu đồng để trồng dưa, nhưng anh nghĩ khác: “Người ta đã thay đổi tư duy làm nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún từ lâu rồi. Phải đầu tư công nghệ, phải trồng sạch thì mới phát triển được; và cũng đã qua cái thời phụ thuộc vào tự nhiên, vào nắng, gió, nước trời…”. Nói là làm, nhà màng trồng dưa lưới của anh thợ sửa xe được đầu tư hiện đại theo công nghệ Bỉ, có thiết bị tưới tiêu tiêu chuẩn, giàn treo, giá thể, giống... và hệ thống kiểm soát độ ẩm không khí, giúp cây phát triển đồng đều.
Đầu tháng 8 vừa qua, lứa dưa lưới trồng thử nghiệm 1.200 dây thành công ngoài mong đợi, gần 2 tấn dưa lưới “made in Danang” đã đến tay người tiêu dùng địa phương. “Dưa sạch, đẹp, trái không tì vết do được trồng trong nhà màng, không bị vết côn trùng đốt. Cỡ dưa đảm bảo tiêu chí 1,2 - 1,8 kg là vừa ngon, ngọt. Người mua thường thích quả to, nhưng thực tế, khi quả phát triển đến trên dưới 2 kg, sẽ cho cắt nguồn nước tưới để quả hơi rặt lại, đảm bảo độ ngọt vị thanh”, Quyết nói và cho biết anh đang tiến hành dán tem nhận biết thương hiệu dưa lưới “made in Danang” cho sản phẩm của mình. “Nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là tương lai và là con đường về lâu về dài. Tôi tin rằng dưa lưới được trồng sạch ngay tại Đà Nẵng sẽ cung ứng được thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương”, Quyết quả quyết.
Bình luận (0)