Tỷ giá linh hoạt, không tăng sốc

Thanh Xuân
Thanh Xuân
16/07/2018 05:06 GMT+7

Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính khi Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ yêu cầu xây dựng kịch bản điều hành tỷ giá hạn chế tác động tiêu cực của những biến động kinh tế, tài chính thế giới.

Phá giá VND
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc leo thang, giá các ngoại tệ trên thị trường tài chính thế giới liên tục biến động mạnh. Ngay sau khi Mỹ áp dụng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Trung Quốc đã thực hiện phá giá nhân dân tệ (CNY) từ 3 - 5%, baht của Thái Lan giảm khoảng 3%, rupiah của Indonesia giảm khoảng 7%, peso của Philippines giảm khoảng 7%, rupee của Ấn Độ giảm khoảng 8%, won của Hàn Quốc giảm 5 - 6%... Thị trường ngoại tệ VN cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” này. So với đầu năm, tỷ giá USD/VND tăng 1,45%.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn 2 lần tăng lãi suất trong năm nay cũng là yếu tố tác động lên giá USD. Đó là những lý do nên điều chỉnh tăng giá USD thêm trong thời gian tới nhưng cũng không nên điều chỉnh đột ngột ở mức cao
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô VN quý 2/2018 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với VN. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, thì Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu của VN.
Hiện nay, VND vẫn đang được neo giá theo USD. Khi CNY mất giá mạnh, cán cân thương mại của VN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt vào thị trường nội địa. VEPR kiến nghị một chính sách giảm giá VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của CNY so với USD.
Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà xuất khẩu sang Mỹ cũng có lợi. Việc tận dụng hai thị trường lớn này có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại. VEPR lưu ý: “Khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tăng lãi suất VND để ổn định tỷ giá. Đây là một rủi ro quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý, vì lãi suất tăng sẽ thay đổi toàn bộ trạng thái các thị trường hiện nay”.
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng từ đầu năm đến nay, VND mất giá 1,4% và nên mất thêm 1,5% từ nay đến cuối năm, tức tổng cộng trong năm 2018, giá USD tăng 3%/năm. Trong 3 tháng trở lại đây, CNY đã mất giá khoảng 5%, trong khi VND so với USD mất giá 1,4%, điều này có nghĩa VND lên giá so với CNY. Hàng Trung Quốc giá rẻ vào VN nhiều hơn, tăng nhập siêu hàng Trung Quốc vào VN, trong khi hàng VN xuất sang Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn. “Hơn nữa, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn 2 lần tăng lãi suất trong năm nay cũng là yếu tố tác động lên giá USD. Đó là những lý do nên điều chỉnh tăng giá USD thêm trong thời gian tới nhưng cũng không nên điều chỉnh đột ngột ở mức cao”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Có biểu hiện găm giữ USD
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng: Việc Chính phủ yêu cầu NHNN xây dựng kịch bản điều hành tỷ giá hạn chế tác động tiêu cực của những biến động kinh tế, tài chính thế giới là điều cần thiết. Nhưng việc xây dựng kịch bản tỷ giá không có nghĩa là phải tăng tỷ giá. Chính sách điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian qua đã đạt được những mục tiêu ổn định kinh tế, kiểm soát được lạm phát và cải thiện cán cân thương mại. Trong thời gian tới cần trung thành với mục tiêu tỷ giá đã đề ra từ đầu năm là tăng khoảng 2% và cần linh hoạt hơn.
“Nền kinh tế VN có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 190% GDP, do đó việc thực hiện điều chỉnh tỷ giá cần hết sức thận trọng, không những tác động đến xuất khẩu mà cả nhập khẩu. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, CNY mất giá khoảng 4,3% nhưng nhìn dài hạn 1 năm thì USD mất giá so với CNY khoảng 1,3%. Đây là điểm mà nhà điều hành cần lưu ý trong hoạch định chính sách tỷ giá”, ông Ngân nói.
Tâm lý găm giữ ngoại tệ trong cuộc chiến tranh thương mại, theo ông Nguyễn Trí Hiếu là điều không tránh khỏi, không những diễn ra ở VN mà cả thế giới. Để ngăn chặn hiện tượng này, cần duy trì chênh lệch lãi suất giữa VND và USD để hấp dẫn người dân giữ VND thay vì chuyển sang USD. Hơn nữa các NH cần ý thức được việc đầu cơ ngoại tệ. Thực tế, trên thị trường liên NH, nơi số lượng ngoại tệ lớn giao dịch hằng ngày giữa các NH với nhau đang có những biểu hiện đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Cụ thể, lãi suất USD trên thị trường này đang cao gấp đôi lãi suất VND. Quy định về trạng thái ngoại tệ (hiện đang là +/- 20% vốn tự có) của các NH đang là chốt chặn cần thiết để mức đầu cơ không quá lớn. 
Găm giữ USD có thể lỗ nặng
NHNN điều hành chính sách tỷ giá thời gian qua khá tốt, tỷ giá VN so với các nước ở mức cân bằng nên không cần phải phá giá VND thêm. Dự trữ ngoại hối VN hiện ở mức cao, NHNN có thể xả ra bất cứ lúc nào nên những đơn vị găm giữ, “đánh quả” ngoại tệ có thể sẽ lỗ nặng.
PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.