Từ ngày 9 - 11.2, đi kiểm tra việc ứng phó với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Với những gì đang xảy ra, đến thời điểm này có thể khẳng định hạn mặn năm nay diễn ra hà khắc hơn. Một là năm nay lượng mưa thiếu hụt từ 55 - 60%. Hai là mùa mưa kết thúc sớm hơn. Cùng với đó là ĐBSCL mưa ít hơn và mùa lũ kết thúc sớm hơn. Các yếu tố đó cho thấy mùa khô, hạn, mặn năm nay nặng hơn và gay gắt hơn 2015 - 2016”.
Tuy nhiên, từ tháng 9.2019, các địa phương đã chuẩn bị kịch bản đối phó. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì hội nghị chỉ đạo toàn vùng ĐBSCL tập trung 2 nhiệm vụ chính: Một là ứng phó với sạt lở; Hai là chống hạn, mặn. Đối với vụ lúa đông xuân, xuống giống sớm hơn từ 15 - 25 ngày để tận dụng được nguồn nước đầu vụ và tiết kiệm nước cuối vụ.
Đồng thời sử dụng các giống lúa ngắn ngày, tập trung các biện pháp canh tác tiết kiệm tài nguyên nước. Kiên quyết không bố trí vụ xuân hè khoảng 100.000 ha vào đầu tháng 1.
Rà soát lại toàn bộ nguồn nước ngọt để cân đối quy mô của 7 tỉnh ven biển, làm sao để khi xảy ra mùa khô, mặn xâm nhập thì không thiếu nước ngọt. Đẩy nhanh tiến độ các công trình kiểm soát mặn. Đến những tháng hạn, mặn đã có 5/11 công trình lớn trong vùng được đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.
“Đến nay, chúng ta đã đi được hơn nửa chặng đường. Kết quả rất tích cực, trong đó thắng lợi đầu tiên là 1,5 triệu ha lúa đông xuân đã thu hoạch được 60%, chất lượng rất tốt. Còn 40% diện tích còn lại đang trổ, chín, khoảng 1 - 3 tuần nữa là thu hoạch và kiểm tra chân ruộng vẫn còn nước. Còn lại 29.000 ha lúa xuân hè, từ nay đến cuối vụ có nguy cơ bị thiếu nước. Đây là vụ sản xuất khá bấp bênh, cần chuyển vụ hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (thuộc Trường ĐH Cần Thơ), cho biết ngay trong những tháng mùa mưa, khi mà mưa đến trễ, lượng mưa quá ít, giới chuyên gia đã cảnh báo nhiều khả năng mùa khô hạn sẽ gay gắt.
Thêm nữa vào khoảng tháng 7, 8, các nước hạ nguồn sông Mê Kông đã chứng kiến một hình ảnh chưa từng thấy đó là mực nước của con sông có lưu lượng đứng thứ 10 thế giới này đã xuống thấp nhất trong lịch sử hàng trăm năm qua. Nhiều đoạn sông Mê Kông ở đoạn giáp biên giới Thái Lan, Lào cạn trơ cả đáy. Tương tự, ở Biển Hồ, Campuchia, hồ nước ngọt điều hòa vô cùng quan trọng với ĐBSCL, nguồn nước cũng suy giảm nghiêm trọng ngay trong mùa mưa.
“Lúc ấy chúng tôi đã lo ngại về tình trạng thiếu nước ngọt đổ về hạ nguồn, kết hợp với khô hạn sẽ dẫn đến một năm xâm nhập mặn lịch sử của miền Tây. Rất may nhờ thông tin trên được chia sẻ rộng rãi trên báo đài nên ít nhiều các địa phương đều có sự chuẩn bị ứng phó với tình hình”, PGS-TS Tuấn nói.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, chính nhờ kinh nghiệm “xương máu” từ những thiệt hại lớn của năm hạn mặn khốc liệt 2016 mà người dân ĐBSCL đã kìm hãm được phần nào những ảnh hưởng của hạn mặn năm nay.
Ngoài việc điều chỉnh lịch thời vụ thì người dân nhiều nơi đã có ý thức trữ nước từ mùa mưa để sử dụng cho tới hiện nay. PGS-TS Lê Anh Tuấn cũng cho rằng vấn đề giải pháp ứng phó hạn mặn hiện nay là phải ưu tiên nước cho người dân sử dụng. Những khu vực cây trồng có nguy cơ bị chết, khó cứu vãn thì không nên cố lãng phí nước tưới mà dành nước ưu tiên cho sinh hoạt. Cùng với đó, những sáng kiến như túi cao su đựng nước loại lớn cần được nhân rộng sớm để người dân sử dụng.
Bình luận (0)