Việt Nam nguy cơ bị ‘vạ lây’ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/05/2019 19:27 GMT+7

Diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng và khả năng tác động đến Việt Nam.

Mỹ “dọa” tăng thuế những hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc
Sau tuyên bố áp thuế với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại ra lệnh tăng thuế tiếp với tất cả số hàng còn lại nhập từ Trung Quốc.. Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc nhập vào Mỹ, mức thuế tăng thêm sẽ ảnh hưởng tới một loạt mặt hàng như thiết bị điện tử do Trung Quốc sản xuất, máy móc cơ khí, linh kiện xe hơi và đồ nội thất. Năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã áp phạt thuế hàng hóa thương mại 2 chiều với hơn 360 tỉ USD.
Trước hành động tăng thuế của Mỹ, phía Trung Quốc cho rằng sẽ “trả đũa”. Dù Trung Quốc chưa đưa ra giải pháp nào rõ rệt nhưng việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đã khiến giá Nhân dân tệ (CNY) trên thị trường quốc tế bị giảm giá khá mạnh trong tuần qua, cặp tỷ giá USD/CNY từ mức 6,7335 lên 6,8216, tương ứng 1,3% và tiến gần đến mức đỉnh lập được hồi năm ngoài ở mức 6,9762.
Ông Nguyễn Trí Hiếu – Cố vấn Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cho rằng việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% có tác động rất mạnh, mới nghe thì tưởng Trung Quốc chịu thuế đó nhưng thật chất người tiêu dùng của Mỹ phải chịu mức thuế đó. Trong trường hợp Trung Quốc không tăng được giá hàng hóa thì doanh nghiệp Trung Quốc mới phải chịu thiệt hại này, còn nếu họ tăng giá hàng hóa và nhập khẩu vào Mỹ thì người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn. Do đó hành động này tác động lên cả 2 chiều Mỹ - Trung Quốc nên cả 2 bên sẽ xem xét tác động để có biện pháp tiếp theo cho việc đánh thuế tiếp hàng hóa còn lại hay không. Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa và theo ông Nguyễn Trí Hiếu có nhiều cách để trả đũa như tăng thuế nhập khẩu hàng của Mỹ vào Trung Quốc nhưng hàng Trung Quốc vào Mỹ nhiều hơn nên cũng không tác động nhiều; giảm thiểu hàng nhập khẩu từ Mỹ, nông sản, công nghệ thông tin… bằng các biện pháp hành chính. Hay áp dụng biện pháp trả đũa mà Trung Quốc đã làm là phá giá CNY để đối phó với trừng phạt của Mỹ, lúc này hàng Trung Quốc rẻ hơn, bù trừ tăng thuế nhập khẩu. Trong các biện pháp trên, có thể Trung Quốc sẽ dùng “đòn” phá giá CNY, chính vì vậy mà trong tuần qua, CNY mất giá nhiều so với USD trên thị trường.
Thận trọng với tỷ giá
Vào năm 2015, để đối phó với việc đồng CNY phá giá khá mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng từ ngày 19.8.2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Nếu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phá giá CNY mạnh như những năm trước để hỗ trợ xuất khẩu, trả đũa việc đánh thuế của Mỹ thì có thể kịch bản điều chỉnh tỷ giá trong nước xảy ra. Trong trận chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam cũng sẽ bị vạ lây”
Theo phân tích của ông Hiếu, khi Trung Quốc phá giá CNY, hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam sẽ càng trở nên rẻ hơn, dẫn đến gia tăng nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, đồng thời hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại này khi Trung Quốc có thể chuyển dịch một số nhà máy sản xuất hàng hóa sang Việt Nam rồi từ đó xuất sang Mỹ để tránh mức thuế suất cao 25%. Một số công ty Trung Quốc đang thực hiện điều này, dẫn đến lượng vốn đầu tư của quốc gia này vào VN khá lớn. Đây là cơ hội nhưng cũng là rủi ro cho Việt Nam khi các công ty Trung Quốc lựa chọn nơi đến “tránh đòn” thuế suất cao của Mỹ. Trước đó, Mỹ đã có cảnh báo đánh thuế cao hơn đối với những nước bị lợi dụng “tránh đòn” thuế cao của Mỹ để xuất siêu hàng vào nước này và những nước “lũng đoạn tiền tệ” tạo vị thế cho xuất khẩu vào Mỹ. Ông Hiếu kiến nghị cơ quan chức năng xem xét kỹ các dự án đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam với mục đích gì để tránh những tác động lên các doanh nghiệp Việt
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.