Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu Mỹ - Trung chiến tranh thương mại

Thu Thảo
Thu Thảo
29/03/2018 11:12 GMT+7

Bài viết này là nhận định của nhà báo Michael Schuman trong chuyên mục Bloomberg View.

Các nhà kinh tế thích nói rằng không nước nào thắng trong một cuộc chiến thương mại. Chúng ta sẽ sớm kết luận được rằng họ đúng hay không. Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh áp thuế đáp trả với một số sản phẩm từ Mỹ. Và rồi chúng ta sẽ bị cuốn theo đó.
Công ty, người lao động và người tiêu dùng ở cả hai nước hầu như chắc chắn sẽ bị tổn thương trong một cuộc xung đột “ăn miếng trả miếng”. Song mặt khác, căng thẳng có thể sinh ra nhiều người thắng cuộc tại các nước đang phát triển.
Trên bề nổi, sự biến thương mại có thể là thảm họa với các nước khác ở châu Á. Cú sốc với hàng xuất khẩu Trung Quốc có thể lan qua các chuỗi cung ứng trải dài trên khắp khu vực, cướp cơ hội tăng trưởng và việc làm của nhiều nền kinh tế. Cùng lúc, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ lan sang một trận chiến kinh tế khác, cuộc chiến giữa Trung Quốc và các đối thủ có mức lương cho người lao động thấp. Với nhiều nền kinh tế mới nổi, lợi ích về dài có thể vượt thiệt hại ngắn hạn.
Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, từ lâu là điểm đến được doanh nghiệp Mỹ, châu Âu tin chọn khi cần nơi sản xuất, gia công nước ngoài, đặc biệt là các mặt hàng thâm dụng lao động như sản xuất quần áo, giày dép và điện tử. Khi lương bổng nhà máy ở Trung Quốc lên đến mức cao nhất trong số các nước mới nổi châu Á, nhiều quốc gia đang phát triển khác với chi phí thấp hơn bắt đầu giành đầu tư và công ăn việc làm từ nước này, để thúc đẩy công nghiệp hóa và tăng trưởng ở nước nhà.
Đơn cử, các nhà sản xuất quần áo và đồ điện tử đã bắt đầu đa dạng hóa sản xuất sang các nước như Việt Nam, Ấn Độ. Việt Nam đang đi qua đợt bùng nổ xuất khẩu, với các ngành vốn là ưu thế của Trung Quốc dẫn đầu, trong đó có may mặc và điện thoại di động. Công ty Wistron nổi tiếng nhờ lắp ráp cho Apple ở Trung Quốc thì đang mở rộng cơ sở sang Ấn Độ.
Đến giờ, Trung quốc vẫn duy trì được sản xuất ở mức độ thấp nhờ bù đắp chi phí cao bằng cơ sở hạ tầng và mạng lưới cung ứng đáng tin cậy hơn, rộng rãi hơn. Các nước nghèo hơn không thể tận dụng hết mức lương bổng nhân công rẻ. Ví dụ: Mỹ nhập khẩu hàng dệt may từ Ấn Độ và Việt Nam tăng trong năm qua, nhưng nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc vẫn lớn nhất, giá trị hàng hóa nhập lên đến gần 39 tỉ USD.
Cuộc chiến thương mại lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch. Các công ty Mỹ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Đại lục, chẳng hạn như hãng điện tử và bán lẻ, sẽ bị buộc phải tái thiết kế chuỗi cung ứng cho phù hợp với thuế quan. Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia từ đây phải tìm nơi sản xuất khác thay thế ngoài Đại lục.
Đây là tin xấu với Trung quốc. Ngay cả khi chính phủ đang cố gắng nâng tầm sản xuất lên các mặt hàng tiên tiến hơn, nước này vẫn phụ thuộc vào các nhà máy giá rẻ vốn tuyển dụng nhiều lao động có tay nghề thấp. Sản xuất hàng may mặc và điện tử càng rời Trung Quốc sớm chừng nào, thì chính phủ nước này càng gặp áp lực thúc đẩy cải tiến, mở thêm các ngành xuất khẩu công nghệ cao mới chừng đó.
Chúng ta chưa biết mặt hàng xuất khẩu nào của Trung Quốc sẽ là đối tượng đánh thuế trong kế hoạch của ông Trump, vì vậy tác động lên các nhà máy nước này sẽ khó đoán. Ngay cả khi hai nước tránh được cuộc đối đầu kéo dài, mối đe dọa về sự ngăn trở thương mại rộng rãi sẽ khiến doanh nghiệp Mỹ bớt tự tin, tìm cách đa dạng hóa nguồn sản xuất nhanh hơn.
Kẻ thất bại thực sự trong chuyện này thực ra có thể là chính sách thương mại của ông Trump. Dù một phần sản xuất Trung Quốc có thể “hồi hương” về Mỹ, phần nhiều sẽ không chảy về đây. Hoạt động lắp ráp, gia công thâm dụng lao động là quá đắt đỏ ở nơi có lương bổng cao như Mỹ. Khi ông Trump cố giảm thâm hụt thương mại ở Trung Quốc, nhiều nước khác sẽ nổi lên vì sản xuất chỉ di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Thực tế, điều này đang xảy ra. Khi Việt Nam ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng, thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này cũng tăng lên 38 tỉ USD năm qua, cao hơn ba lần so với năm 2011. Trong thế giới sản xuất toàn cầu hóa, thuế quan có thể chẳng bao giờ đánh được vào mục tiêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.