Việt Nam sẽ thành công xưởng thế giới?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
14/06/2019 07:39 GMT+7

Hàng loạt ông lớn ngành công nghệ như Apple, Sharp, Canon... đang có nhà máy tại Trung Quốc đều “bắn tin” sẽ di dời đến thị trường mới, trong đó VN.

Thông tin quốc tế thời gian qua cho biết, hàng loạt ông lớn ngành công nghệ như Apple, Sharp, Canon... đang có nhà máy tại Trung Quốc đều “bắn tin” sẽ di dời đến thị trường mới, trong đó VN được nhắc đến như một điểm đến sáng giá tại các nước Đông Nam Á.

Nhiều tập đoàn lớn chọn VN

Foxconn - nhà lắp ráp điện thoại iPhone lớn nhất của Tập đoàn Apple, tuần qua chính thức cho biết sẽ rời khỏi Trung Quốc nếu Apple muốn thế hoặc nếu đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng xấu đi. VN được nhắc đến trong các cuộc phỏng vấn người đứng đầu Hãng Foxconn tại Trung Quốc trong chiến lược di dời nhà máy. Trước đó, cuối năm 2018, Reuters đưa tin Foxconn cho biết VN đang được xem xét như một điểm đến quan trọng của tập đoàn này.
Phải trở thành công xưởng mà trong đó gắn tên VN vào chuỗi giá trị hàng hóa thế giới, có hạ tầng, không gian kinh tế phù hợp để phát triển. Đặc biệt, phải có công nghệ tiên tiến hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0, không đơn thuần chỉ là gia công hay gặt hái công nghệ thải loại của các nước
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN
Tương tự, cũng trong tháng 6 này, Hãng Sharp (Nhật Bản) thông tin tạm thời chuyển hoạt động sản xuất máy tính xách tay sang Đài Loan rồi sau đó sẽ chuyển hoạt động chế tạo sang một nhà máy mới ở VN. Dự kiến, nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 10 năm nay. Theo tập đoàn này, hiện tất cả sản phẩm máy tính xách tay của Sharp đều được sản xuất ở Trung Quốc và xuất sang Mỹ khoảng 10.000 chiếc/tháng.
Ngoài ra, Kyocera - nhà sản xuất các sản phẩm gốm điện tử, thiết bị viễn thông, máy in... đang nghiên cứu để chuyển một phần sản lượng máy in đa chức năng từ Trung Quốc sang VN. Đầu năm nay, Công ty TNHH Kyocera VN cũng đã làm việc với tỉnh Hưng Yên nhằm mở rộng đầu tư nhà máy trong tương lai gần. Trong lĩnh vực may mặc, Công ty Fast Retailing Co. - đơn vị điều hành chuỗi cửa hàng quần áo Uniqlo (Nhật) cũng đang thảo luận việc tăng sản lượng sản xuất tại VN và Bangladesh. Fast Retailing Co. đang cung cấp hàng hóa cho 50 cửa hàng đại lý của Uniqlo tại Mỹ.
Không chỉ với VN, một số nước trong khu vực cũng đã kịp đón nhận làn sóng di dời nhà máy rời Trung Quốc trong thời gian qua. Pegatron là đối tác chuyên lắp ráp các sản phẩm iPad, MacBook của Apple đã đầu tư nhà máy 300 triệu USD tại Indonesia. Casio dự định sẽ chuyển mảng sản xuất đồng hồ, dụng cụ âm nhạc từ Trung Quốc sang Thái Lan...

Vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng 450%

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), Trung Quốc đang dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới. 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào VN tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Rõ ràng đã và đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào VN và một số nước trong khu vực. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để VN thu hút đầu tư, trở thành công xưởng của thế giới sau Trung Quốc. Thực tế, tại Diễn đàn kinh tế VN cuối năm 2018, cụm từ VN là công xưởng thế giới đã được đề cập do VN có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu giá trị hơn tỉ USD. Ở góc độ ngành hàng, VN đang là công xưởng thế giới về điện thoại di động, dệt may, chế biến cà phê, lúa gạo... Tuy nhiên, theo TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright VN) thì với quy mô xuất khẩu khoảng 200 tỉ USD, VN chưa thể là công xưởng của toàn cầu được.
VN cần chọn lọc kỹ đầu tư với công nghệ tiên tiến để trở thành công xưởng thế giới ảnh: Độc Lập
VN cần chọn lọc kỹ đầu tư với công nghệ tiên tiến để trở thành công xưởng thế giới Ảnh: Độc Lập
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định với xu hướng gia tăng đầu tư mạnh từ Trung Quốc, đặc biệt việc di dời các nhà máy từ Trung Quốc vào VN đang được cân nhắc có thể cho thấy, VN nằm trong tầm ngắm của nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia trong mảng cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường khu vực và toàn cầu. Cho rằng VN có quyền nuôi tham vọng trở thành công xưởng của thế giới và hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, VN có thể là công xưởng bên cạnh một số công xưởng khác chứ không thể nào thay thế Trung Quốc do VN có địa bàn hẹp, lực lượng lao động ít hơn. Trong khi đã gọi là công xưởng thế giới, đòi hỏi phải phát triển trên quy mô chiều rộng. “VN cần nghiên cứu thu hút và phát triển theo chiều sâu chứ không nên là chiều rộng như Trung Quốc trong thời gian qua”, PGS-TS Thịnh gợi ý.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), phân tích Trung Quốc đang cải tiến công nghệ để vươn lên tầm cao mới, trở thành công xưởng thế giới ở vị thế khác chứ không phải tập trung các ngành sử dụng lao động nhiều, đầu tư những ngành gây ô nhiễm môi trường như hiện nay. “Nếu nói VN cần có tham vọng trở thành công xưởng thế giới thay Trung Quốc hiện nay, ngay cả làm được cũng... chán quá. Phải trở thành công xưởng mà trong đó gắn tên VN vào chuỗi giá trị hàng hóa thế giới, có hạ tầng, không gian kinh tế phù hợp để phát triển. Đặc biệt, phải có công nghệ tiên tiến hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0, cao cấp, không đơn thuần chỉ là gia công hay gặt hái công nghệ thải loại của các nước. Như vậy, công xưởng chỉ là bến đỗ cho thải loại công nghệ cũ mà thôi”, ông Lộc nói.

Phải thu hút đầu tư tầm cao

Thực tế, chính sách cải cách cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, chiến lược đến năm 2020 cấm hàng loạt ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường của chính phủ Trung Quốc khiến không ít chuyên gia khi nhìn nhận về làn sóng dịch chuyển nhà máy cũng như vốn FDI từ Trung Quốc sang VN đều lo ngại.
Ông Lộc cho rằng, nếu muốn trở thành công xưởng thế giới, VN phải xây dựng chiến lược thu hút đầu tư theo hướng công xưởng của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, không phải gia công ăn lương, mà là một nền công nghiệp cao thực sự.
“Phải có những bộ phận lọc các dự án đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt nằm trong dòng chảy dịch chuyển từ Trung Quốc sang VN. VN vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn cho nhà đầu tư, đó là điều cần nhìn thấy. Nhưng phải xóa bỏ trong tư duy nhà đầu tư rằng, đây cũng là điểm đến để họ trút các công nghệ thải loại. Vì thế, khi nói đến dòng lưu chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có VN, chúng ta phải cẩn trọng hơn, đắn đo hơn, nên đưa các tiêu chuẩn thu hút đầu tư lên tầm cao mới”, ông Lộc nói.
Vậy VN đã có đủ hạ tầng để có thể thu hút mời gọi những dự án FDI trong “tầm cao mới” chưa? PGS-TS Đinh Trọng Thịnh “e là chưa đủ”. Bài học nhãn tiền trong thu hút đầu tư nước ngoài được ông Thịnh nhắc đến là Samsung. Nếu các tập đoàn công nghệ nước ngoài dời nhà máy sang VN để lắp ráp như Samsung đang làm thì cách tiếp nhận của chúng ta lúc này phải khác hoàn toàn cách mời gọi Samsung trước đây. “Samsung đã đầu tư rất lớn, tính theo GDP rất cao, nhưng tính giá trị gia tăng mà VN hưởng lợi lại rất thấp, chỉ 15 - 20%. Hơn 80% linh kiện vẫn được nhập khẩu, phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài. VN chỉ làm khâu đơn giản là lắp ráp lấy công làm lời. Không có những cam kết chuyển giao công nghệ đã đành, không có cam kết phải đầu tư đào tạo, nâng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện lên sau mỗi năm... Bài toán mà VN cần phải làm cho được trong thu hút FDI thế hệ mới là phải chọn lọc kỹ đầu tư, cơ cấu lại chiến lược thu hút đầu tư FDI, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, xây dựng các thành phố thông minh, khu công nghệ cao có tầm trong khu vực...”, ông Thịnh nói. 
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: “Nếu làm công xưởng phải đặt tham vọng lấy được 70 - 80% giá trị gia tăng từ sản phẩm của các công ty nước ngoài. Phải thu hút các dự án làm linh phụ kiện, phát triển công nghiệp phụ trợ, giúp đồng bộ hóa cho nền công nghiệp VN phát triển trong chuỗi giá trị toàn cầu mới đúng xu hướng và lâu bền được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.