Cái bắt tay đầy tính chiến lược
Đó là cái bắt tay của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP Đường Khánh Hòa. Kết quả là sự ra đời của Công ty CP Đường Việt Nam nói trên. Trong đó, Vinamilk đầu tư sở hữu 65% cổ phần của Công ty CP Đường Khánh Hòa nhằm mục đích dần khép kín chuỗi cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất của Vinamilk. Cái bắt tay này thật ra cũng đã nằm trong chiến lược kinh doanh từ lâu của Vinamilk, bởi là công ty dinh dưỡng lớn tại Việt Nam và là 1 trong 2.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu (Nguồn: Forbes Global 2000 năm 2017), trong nhiều năm nay, Vinamilk luôn tập trung đầu tư và mở rộng nguồn nguyên liệu để chủ động trong việc sản xuất kinh doanh nhằm phục vụ tốt cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Còn với Công ty CP Đường Khánh Hòa, cái bắt tay tạo sự ra đời của Công ty CP Đường Việt Nam sẽ mang lại hướng đi mới cho công ty nói riêng và cho ngành mía đường Việt Nam nói chung, từng bước giúp cho người nông dân trồng mía nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập vào sân chơi khu vực và toàn cầu, bởi Vinamilk không chỉ đầu tư mà còn áp dụng kinh nghiệm quản trị tiên tiến của mình vào. Như chia sẻ chân thành của ông Đỗ Thành Liêm, Tổng giám đốc Công ty CP Đường Việt Nam: “Trong hơn 28 năm qua, Công ty CP Đường Khánh Hòa tuy đã có nhiều đóng góp cho tỉnh Khánh Hòa, người dân trồng mía và đạt được những thành tựu nhất định nhưng cũng như nền kinh tế thị trường luôn cần có những bước chuyển mang tính đột phá để phát triển. Tôi và tất cả cán bộ, công nhân viên công ty đều rất phấn khởi và tự hào khi được bắt tay hợp tác cùng với Vinamilk, một công ty dinh dưỡng có uy tín và phát triển bền vững nhất Việt Nam. Tôi tin rằng, sự hợp tác này sẽ đem lại thành công không chỉ cho Công ty CP Đường Việt Nam mà còn đem lại sức bật mới cho sự phát triển của ngành mía đường Việt Nam”.
Là động lực giúp người nông dân tâm huyết và gắn bó hơn với cây mía
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền thân của Công ty CP Đường Khánh Hòa là nhà máy đường mía Diên Khánh được thành lập từ năm 1989 với công suất thiết kế ban đầu là 100 tấn mía/ngày. Đến năm 1995, nhà máy đường mía Khánh Hòa được đổi tên là Công ty Đường Khánh Hòa. Năm 1998, Công ty Đường Khánh Hòa khởi công xây dựng nhà máy đường Cam Ranh nhằm phát triển ngành mía đường Việt Nam đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân trồng mía của tỉnh. Năm 2000, nhà máy đường Cam Ranh chính thức đi vào hoạt động, với công suất sản xuất 6.000 tấn mía/ngày. Ngày 25.1.2007, Công ty Đường Khánh Hòa được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần và được đổi tên là Công ty CP Đường Khánh Hòa.
Từ công suất chỉ vài trăm tấn mía/ngày trong thời gian đầu xây dựng, công ty đã phát triển đạt công suất 10.000 tấn mía/ngày, luyện độc lập đường thô 1.500 tấn/ngày, theo kế hoạch, sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng công suất lên 15.000 tấn mía/ngày; luyện độc lập đường thô 2.000 tấn/ngày.
|
Vậy là trong hơn 28 năm qua phát triển và trưởng thành, Công ty CP Đường Khánh Hòa luôn là chỗ dựa vững chắc của hàng chục ngàn hộ dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và địa phương lân cận như: Huyện Ma’Drắk - tỉnh Đắk Lắk; huyện Ninh Sơn, huyện Bác Ái - tỉnh Ninh Thuận….
Tuy nhiên, thị trường đường trên thế giới vẫn liên tục biến động. Việc hàng loạt hàng rào thuế quan được xóa bỏ khi Việt Nam hội nhập vào các nền kinh tế thế giới đã và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến toàn ngành mía đường trong nước, trong đó có Công ty CP Đường Khánh Hòa. Cho nên với sự tham gia của Vinamilk vào ngành mía đường, mà cụ thể là sự hợp tác để cho ra đời Công ty CP Đường Việt Nam được các chuyên gia kinh tế hoan nghênh và đánh giá là sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng cũng như người nông dân trồng mía. Đặc biệt, sự hợp tác này sẽ giúp cho người nông dân ngày càng tăng thêm niềm tin, tâm huyết và gắn bó với cây mía hơn nữa.
Bình luận (0)