Cụ thể, Vinamilk chào mua 116,71 triệu cổ phần GTN, tương ứng 46,68% lượng cổ phần đang lưu hành của GTN. Nếu giao dịch diễn ra thành công, Vinamilk sẽ nắm giữ 122,5 triệu cổ phần GTN, tương ứng tỷ lệ sở hữu 49%. Cũng như đợt trước, mức giá chào mua của Vinamilk là 13.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị chào mua hơn 1.517 tỉ đồng. Thời hạn nhận hồ sở đăng ký bán của nhà đầu tư từ ngày 22.4 đến 22.5.
Trong phiên giao dịch 11.4, cổ phiếu GTN đã tăng kịch trần lên 17.100 đồng. Như vậy, mức giá Vinamilk chào mua đang thấp hơn 24% thị giá GTN. Từ đầu năm tới nay, GTN đã tăng hơn 60% và đà tăng này có liên quan đến thương vụ chào mua của Vinamilk.
Đáng chú ý vào giữa tháng 3 vừa qua, Vinamilk đã lần đầu chào mua số lượng cổ phiếu trên của GTN. Tuy nhiên vào cuối tháng 3, Hội đồng quản trị GTNFoods đã thông qua nghị quyết thống nhất không đồng ý với đề nghị chào mua công khai đó. Lý do không đồng ý được các thành viên hội đồng quản trị đưa ra là chưa nhận được sự trao đổi nào của Vinamilk về định hướng, chiến lược, phương án hợp tác với vai trò là cổ đông lớn vào phát triển của GTNFoods.
GTNFoods là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu với doanh thu năm 2018 đạt hơn 3.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỉ đồng. Hiện tại, GTNFoods đang nắm giữ gần 75% cổ phần Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Vilico tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu là 51%. Ngoài ra, GTNFoods còn nắm giữ 95% cổ phần Tổng Công ty Chè Việt Nam; 35% cổ phần LadoFoods (Vang Đà Lạt)…
Trong khi đó, Vinamilk là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam với thị phần sữa nước năm 2018 vào khoảng 55%. Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc, hơn 30% thị phần trong ngành hàng sữa bột. Trong năm 2018, doanh thu Vinamilk đạt hơn 52.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 10.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)