Có thể kể đến như HQC của Công ty cổ phần tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân chỉ có giá xoay quanh 2.000 đồng/cổ phiếu trong khi vốn điều lệ là 4.000 tỉ đồng. Giá cổ phiếu HQC đã trượt dài liên tục trong những năm qua và có vẻ vẫn chưa có đường ra khi kết quả kinh doanh không khả quan. Kết thúc quý 1/2018, doanh thu của HQC chỉ đạt 24,24 tỉ đồng, giảm đến 91% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 10,5 tỉ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.
tin liên quan
Chứng khoán Việt Nam lại bị 'bốc hơi' hơn 143.000 tỉ đồngHay Tập đoàn FLC giá mỗi cổ phiếu hiện chỉ còn 4.950 đồng trong khi đỉnh cao trước đó gần 45.000 đồng. Vốn điều lệ của FLC lên đến 6.827 tỉ đồng nhưng lợi nhuận công ty khá khiêm tốn. Quý 1 năm nay FLC đạt lợi nhuận sau thuế 99,3 tỉ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. FLC gắn liền với tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng nằm trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Còn PVX - cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, nơi ông Trịnh Xuân Thanh nhiều năm làm lãnh đạo cao nhất - hiện chỉ còn 1.500 đồng/cổ phiếu. PVX có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng nhưng với giá hiện nay thì vốn hóa thị trường chỉ còn 560 tỉ đồng. Giá cổ phiếu lao dốc do hoạt động công ty khá thê thảm. Năm 2017, công ty báo lỗ hơn 416,3 tỉ đồng. Thời vàng son của PVX diễn ra trong hai năm 2009 - 2010 khi giá cổ phiếu dao động trên 30.000 đồng với giao dịch hàng triệu đơn vị mỗi ngày.
Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Sacombank (SBS) cũng rơi vào tình cảnh giá cổ phiếu liên tục lao dốc và chỉ còn 2.000 đồng nhưng hầu như không có giao dịch. Vốn điều lệ của SBS hiện hơn 1.266,6 tỉ đồng và là một trong những công ty chứng khoán có vốn lớn trên thị trường. Công ty này đã qua thời vàng son cùng với việc thay tên đổi chủ tại Ngân hàng Sacombank với cha con doanh nhân Đặng Văn Thành. SBS lên niêm yết trên sàn TP.HCM nhưng cuối năm 2012 bị lỗ cao hơn vốn nên từ tháng 3.2013 bị hủy niêm yết bắt buộc. Từ đó SBS bắt đầu hành trình lao dốc không phanh về giá và chỉ còn 900 đồng/cổ phiếu khi rời sàn TP.HCM dù trước đó đã lập đỉnh trên 40.000 đồng.
Có thể kể thêm những tên tuổi khác như VOS - Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam, giá cổ phiếu hiện là 1.660 đồng trong khi có vốn điều lệ 1.400 tỉ đồng; AGR - Công ty chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có vốn 2.210 tỉ đồng nhưng giá cổ phiếu còn 3.500 đồng; HHS của Công ty cổ phần đầu tư - dịch vụ Hoàng Huy có giá 4.080 đồng trong khi vốn điều lệ là 2.747 tỉ đồng...
So với vốn, giá cổ phiếu của các công ty nói trên tưởng rằng nghịch lý nhưng thực tế điều này phản ánh kết quả kinh doanh yếu kém, thụt lùi của các doanh nghiệp này trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Bình luận (0)