Vươn khơi bám giữ ngư trường

Mạnh Cường
Mạnh Cường
20/06/2019 07:30 GMT+7

Với ngư dân Quảng Nam nói riêng và ngư dân cả nước nói chung, việc Trung Quốc ban hành “lệnh cấm” đánh bắt cá trên vùng biển bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa của VN là vô giá trị.

Có mặt tại cảng Tam Giang (H.Núi Thành, Quảng Nam), PV Thanh Niên ghi nhận vào thời điểm này hầu như tất cả các tàu đánh bắt xa bờ đều đã vươn khơi, chỉ có vài chiếc trở về sau chuyến đi biển dài ngày với mực, cá đầy khoang.

Kiên tâm bám biển

Ngư dân Phạm Quyến (45 tuổi, ở xã Tam Giang, chủ tàu cá QNa 91234TS công suất 660 CV) vừa trở về sau chuyến câu mực ở ngư trường Hoàng Sa ròng rã 2 tháng. Cập bờ, sau khi trừ các chi phí và chia tiền công cho bạn thuyền, bản thân ông lãi gần 200 triệu đồng. Theo ông Quyến, thời gian gần đây các ngư dân có nghe về thông tin Trung Quốc (TQ) ban hành “lệnh cấm” tàu cá không được đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng các ngư dân không quan tâm lệnh cấm này.
“Ngư dân hoạt động trong lãnh hải của VN, không ai có quyền ngăn cấm. Mặt khác, chúng tôi không hề đơn độc mà có những bạn tàu khác luôn sát cánh, hỗ trợ”, ông Quyến nói và khẳng định: “Chúng tôi đã bám biển hàng chục năm nay, từng đối mặt với nhiều hiểm nguy vẫn không nản chí, không hề sợ hãi thì nói gì đến một lệnh cấm phi lý”.
Ngư dân Quảng Nam trở về sau chuyến biển ở Hoàng Sa với đầy ắp cá
Ngư dân Quảng Nam trở về sau chuyến biển ở Hoàng Sa với đầy ắp cá
Vừa trở về sau chuyến biển đầy bão táp, ông Trần Văn Nhân (42 tuổi, trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, H.Núi Thành, chủ tàu cá QNa 91441TS) nhớ lại vụ bị tàu TQ số hiệu 46305 áp sát trưa 2.6. Khi đó, ông Nhân cùng 10 ngư dân thả trôi tàu để ngủ trưa tại khu vực cách đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 22 hải lý thì tàu treo cờ TQ ập tới. Có 6 người nhảy lên tàu và khống chế, dồn ngư dân về trước mũi tàu, sau đó lấy đi hơn 2 tấn mực khô dưới hầm tàu. Cướp mực xong, họ còn dọa chủ tàu nếu bắt gặp lại sẽ cắt hết lưới, lấy hết tài sản, lai dắt tàu về TQ (!). “Tàu TQ yêu cầu chúng tôi không được đánh bắt tại vùng biển này nữa. Nhưng đây là vùng biển thuộc chủ quyền VN, dù bị uy hiếp, bị cướp chúng tôi vẫn kiên quyết bám biển”, ông Nhân quả quyết.
Ông Nhân cho biết có nhận thông tin về việc TQ “cấm đánh bắt” cá ở vùng biển Hoàng Sa, nhưng chuyến đi vừa rồi tàu cá của ông vẫn hoạt động tại ngư trường này như các chuyến đánh bắt trước đó. “Sau hơn 1 tháng ra khơi, nếu không bị chặn cướp hơn 2 tấn mực khô trị giá hơn 250 triệu đồng, thì nguồn lợi thu về từ chuyến biển này là khá lớn. Mình đánh bắt trên biển của mình, không xâm phạm sang ngư trường của nước ngoài thì có gì mà sợ?”, ông Nhân chia sẻ.

Hoạt động theo tổ, đội để hỗ trợ nhau

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, cho hay sau khi TQ đưa ra lệnh “cấm đánh bắt” vi phạm cả một số vùng biển VN, Sở NN-PTNT đã ban hành công văn phản ứng lại lệnh cấm này. Công văn được gửi đến UBND các huyện, thị xã, TP trên địa bàn Quảng Nam với tinh thần động viên, hỗ trợ chính sách, hướng dẫn ngư dân cách ứng phó, liên hệ với đất liền trong những tình huống bất trắc xảy ra.
“Sở cũng đề nghị với lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư tăng cường tuần tra, chấp pháp trên biển hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển. Quảng Nam xác định các tàu cá của ngư dân hoạt động theo tổ, đội để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác hải sản trên biển; đồng thời nhắc nhở ngư dân thường xuyên cảnh giác đối với những tàu lạ tại các vùng biển nhạy cảm”, ông Tấn nói.
Theo ông Ngô Tấn, cơ quan quản lý nghề cá TQ thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn (bắt đầu từ 12 giờ ngày 1.5.2019 đến 16.8.2019) đối với tất cả các nghề (trừ nghề câu) trên các vùng biển, trong đó có vùng đánh cá chung phía TQ (vùng biển phía đông đường phân định vịnh Bắc Bộ); đặc biệt, lệnh cấm từ phía TQ còn áp đặt đối với cả vùng biển thuộc chủ quyền của VN là cực kỳ phi lý và không có giá trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.