Các dự án BOT mới sẽ đấu thầu rộng rãi

Mai Hà
Mai Hà
10/01/2019 07:05 GMT+7

Đó là trả lời của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ( ảnh ) để xử lý triệt để, căn cơ các dự án BOT có vấn đề trong cuộc trao đổi với một số báo chí liên quan đến những vấn đề nóng của ngành sáng 9.1.

Gần đây nhiều trạm BOT bất cập khiến người dân vẫn tụ tập phản ứng, Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về tình trạng này?
Các dự án BOT đang và sắp vận hành thực hiện đúng Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành T.Ư và Nghị định 108 của Chính phủ. Nhưng hạn chế lớn nhất vừa qua là chúng ta chưa lường trước được tác động, mặt trái là số lượng các trạm BOT trên một vùng quá lớn làm tăng cao chi phí vận tải, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Mong muốn của người dân là giải quyết căn cơ các dự án BOT.
Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, xem xét, miễn giảm, Bộ GTVT cũng đã xem xét miễn giảm, nhiều dự án đã giảm từ 35.000 xuống 15.000 đồng/lượt/xe con, điều chỉnh để giảm đi bức xúc của người dân. Nhưng nếu không thu phí thì sao? Nhà nước sẽ phải bỏ tiền mua lại, trong khi ngân sách đang rất khó khăn.
Có một số dự án đang bị “treo” lại khá lâu không có hướng xử lý. Trong năm 2019 Bộ GTVT sẽ có hướng giải quyết thế nào?
Với một số trạm gây bức xúc có nhiều ý kiến khác nhau, hy vọng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có ý kiến giải quyết. Nếu Quốc hội đồng ý, chúng ta có thể bỏ kinh phí khoảng vài chục nghìn tỉ đồng để giải quyết dứt điểm một số dự án gây bức xúc. Nhưng hiện nay ngân sách 5 năm đã phân bổ gần hết từ năm 2016, nên nếu có thể sử dụng ngân sách để xử lý thì hy vọng có thể bố trí vốn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Vừa qua Thủ tướng, Phó thủ tướng đã họp rất nhiều lần về các dự án BOT có vấn đề và vừa qua đã có hướng xử lý với một số dự án, như Trạm BOT Tân Đệ, sau khi xem xét toàn bộ Thủ tướng đã đồng ý sẽ xóa bỏ toàn bộ. Tổng cục Đường bộ đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục tháo dỡ trạm trong vài tháng tới.
Bộ sẽ có chính sách gì để đảm bảo sự ổn định của chính sách và người dân đồng thuận khi triển khai các dự án sắp tới?
Giai đoạn trước, số nhà đầu tư có khả năng về tài chính, quan tâm không nhiều, nên số lượng tham gia đấu thầu rất ít, nên mới xin cơ chế chỉ định nhà đầu tư. Với các dự án mới sẽ không chỉ định thầu mà đấu thầu công khai rộng rãi. Với dự án cao tốc Bắc - Nam, 8 dự án thành phần theo hình thức PPP nhà nước thực hiện một phần, tư nhân một phần vay vốn ngân hàng. Bộ sẽ quản lý khung giá đã được Quốc hội thông qua, nhà đầu tư chủ động thực hiện. Đây sẽ là dự án hình mẫu cho các dự án về sau.
Mới đây một sân bay tư nhân do một doanh nghiệp tư nhân thực hiện đã khánh thành, Bộ có xem đây là bài học trong thu hút vốn tư nhân và thực hiện các dự án BOT sắp tới?
Một sân bay nhà nước phải xây mất 5 - 6 năm nhưng tư nhân chỉ làm mất 2 - 3 năm là điều chúng ta phải suy nghĩ. Chúng tôi đang báo cáo Chính phủ, Quốc hội để xem xét lại luật Đầu tư công, luật Đấu thầu... nên chăng giảm bớt các đầu mối, công đoạn, giao trách nhiệm trực tiếp cho một số bộ ngành, chủ đầu tư, khi triển khai sẽ rút ngắn được công đoạn, khi xử lý cũng có người cụ thể chịu trách nhiệm. Bài học thứ 2 là các tập đoàn tư nhân hoàn toàn có thể làm được các công trình rất tốt. Trong điều kiện huy động vốn khó khăn thì huy động vốn tư nhân, đã báo cáo Chính phủ như sân bay Long Thành có thể tập hợp các doanh nghiệp tư nhân mạnh cùng thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.