Tài xế Việt bức xúc vì bị Trung Quốc cấm cửa

20/08/2019 06:29 GMT+7

Đến hôm qua, sau 3 ngày thông quan cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai), vẫn có khoảng 500 đầu kéo container của VN bị phía cơ quan chức năng của Trung Quốc cấm, vẫn chưa được giải tỏa.

Không làm “luật”, không vào được Trung Quốc

Anh Nguyễn Minh Hiền, một lái xe người Bình Thuận, hiện vẫn đang ở Lào Cai, cho biết đến hôm qua, toàn bộ cánh tài xế có xe bị cấm đều không biết mình vi phạm gì và vì sao bị cấm.
“Không có một thông tin chính thức nào gửi cho chúng tôi cả. Chúng tôi chỉ biết thông qua người làm “luật” phía Trung Quốc (TQ) nói xe chúng tôi nằm trong danh sách bị cấm, không được vào nội địa và họ chỉ dặn chúng tôi muốn chở thanh long vào thì phải thuê đầu kéo khác, chứ biển số xe đang chở đã bị liệt vào danh sách bị cấm cửa”, anh Hiền kể lại.
Các xe chở thanh long VN bị ách lại tại cửa khẩu với Trung Quốc Ảnh: Minh Hiền

Các xe chở thanh long VN bị ách lại tại cửa khẩu với Trung Quốc

Ảnh: Minh Hiền

Ông K., chủ một doanh nghiệp (DN), trú Bình Thuận - chuyên vận chuyển thanh long đi TQ, nói thẳng không có bất cứ chiếc xe nào vào TQ được nếu không qua “luật” phía họ (“luật” là từ chuyên dùng của dân buôn bán thanh long biên giới Trung - Việt, ý nói đến những người làm cò dịch vụ thông quan bên TQ). Cũng theo ông K., mỗi chiếc xe container trước khi vào TQ được cấp một mã vạch điện tử, đó là một chiếc thẻ (như thẻ qua trạm thu phí tự động).
Khi xe gần đến điểm kiểm tra thông quan thì cò phát cho tài xế. Tài xế chỉ cần quẹt thẻ này là barie nhấc lên để xe vào TQ. Chi phí dịch vụ mà cánh tài xế và công ty vận tải phải trả cho dân “luật” ở cửa khẩu Hà Khẩu là 2,5 triệu đồng/xe đầu kéo (đối với cửa khẩu Tân Thanh là 3,5 triệu đồng).
Chủ DN K. cho biết thêm mấy ngày qua hàng qua biên giới nhiều. Mỗi ngày công ty ông có từ 10 đến 12 container thanh long vào TQ, do vậy tốn khá nhiều phí thuê xe đầu kéo vì công ty có 12 đầu kéo thì bị cấm đến 8 chiếc.
“Thuê một đầu kéo chuyến đầu phải chi phí mất 5 triệu đồng, nếu thuê tiếp chuyến thứ hai thì họ giảm xuống còn 4 triệu và càng thuê nhiều thì phí càng giảm. Tuy nhiên, chúng tôi và nhiều nhà xe VN rất bức xúc có xe mà không được chở hàng, phải đi thuê xe khác vừa tốn kém vừa mất thời gian”, vị này nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện nay có khoảng 500 chiếc xe đầu kéo bị phía TQ cấm cửa do vi phạm về thủ tục thông quan phía họ.

Cò Trung Quốc làm bậy, tài xế Việt chịu trận

Trả lời Thanh Niên về việc các xe đầu kéo của VN bị cấm cửa vào TQ, ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, giải thích tất cả các xe container nhập khẩu vào TQ đều được gắn một mã số điện tử (biển số điện tử có mã vạch). Khi xe qua biên giới vào TQ, máy sẽ nhận diện và thông quan tự động.
Thế nhưng, một số “cò” dịch vụ TQ làm giả các biển số điện tử để nhập hồ tiêu vào nội địa bị phát hiện nên họ không sử dụng biển số điện tử, mà kiểm tra bằng phương pháp thủ công, do vậy việc thông quan chậm trễ kéo dài mấy ngày vừa qua. Việc vi phạm là do các cò phía TQ làm, chứ cánh tài xế VN không biết gì cả. Tất cả phải phụ thuộc vào thủ tục thông quan của phía đối phương.
Chị Ngọc Hà, một chủ DN chuyên vận chuyển, buôn bán thanh long tiểu ngạch, cho hay DN của chị có 4 chiếc đầu kéo bị lọt vào danh sách cấm cửa của TQ. “Sắp tới đây vào mùa chính thanh long. Nhà có 5 xe thì bị cấm hết 4 xe. Giờ phải tính phương án thuê xe mà phương án này vừa tốn kém thêm chi phí vừa mất thời gian và phụ thuộc rất nhiều”, chị Hà nói.
Anh H., chủ DN vận tải container ở Bình Thuận hiện đang ở Lào Cai, hôm 19.8 cho biết hai ngày qua, tại cửa khẩu Hà Khẩu của tỉnh Lào Cai, việc thông quan cơ bản đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, nhiều nhà xe hoang mang vì không biết bao giờ phía TQ tháo gỡ lệnh cấm qua biên giới đối với các đầu xe container của mình. Việc cấm xe của TQ đối với các đầu xe chuyên vận tải trái thanh long sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu thanh long qua biên giới và thiệt hại lớn cho DN vận tải.

Xuất chính ngạch, nói không với cò

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T - DN đang xuất khẩu chính ngạch thanh long, nhãn, vải, chôm chôm sang TQ, đánh giá thực tế xuất hàng tiểu ngạch gây nhiều bất lợi cho cả DN lẫn nông dân VN vì phải bán giá thấp, tốn nhiều chi phí vận chuyển và rủi ro trong thanh toán.
“Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh về giá với hàng tiểu ngạch, nhưng chọn con đường đi tiểu ngạch chắc chắn không bền và thiệt thòi đều đổ phía DN. Việc hàng nông sản Việt xuất sang TQ đã và đang gặp khó khăn sẽ tiếp tục diễn ra nữa, do DN làm tiểu ngạch thích xuất hàng qua “cò” dịch vụ phía TQ”, ông Tùng nói và phân tích chỉ có một giải pháp duy nhất từ phía DN xuất hàng nông sản đi TQ là phải “chuyển mình” thay đổi theo yêu cầu phía họ, phụ thuộc vào “cò” phía TQ.
“Chúng ta làm hàng xuất khẩu mà còn phân biệt hàng bán trong nước, hàng xuất tiểu ngạch, hàng xuất chính ngạch… thì chúng ta còn dễ dãi với chính mình dài dài”, ông Tùng nói và cho rằng làm được chuẩn xuất chính ngạch sang TQ đạt, sẽ xuất sang được nhiều nước khác mà không phải lo lắng. Chính vì làm với thương lái TQ, nên DN mới không quan tâm các chính sách thay đổi từ phía chính quyền sở tại dẫn đến bị cấm cửa cũng không biết vì sao.
“Phải chuyển đổi tốt hơn, quy củ hơn, bài bản hơn, một chuẩn chung cho hàng xuất khẩu cho hàng nông sản VN là việc rất quan trọng. Đừng phân biệt thị trường khó tính, dễ tính mà luôn trong tâm trạng làm hàng cho cả thị trường toàn cầu. Nói đi cũng cần nói lại, chính sách về nông nghiệp của VN còn thua xa Thái Lan. Họ nghiên cứu về giống và công tác truy xuất nguồn gốc rất tốt, nên trái cây Thái thắng trái cây Việt. Không cần học nước nào xa xôi, học Bộ Nông nghiệp Thái Lan trong chiến lược phát triển nông nghiệp sản xuất - xuất khẩu cũng có nhiều điều hay rồi”, ông Tùng nhấn mạnh.

Sắp thu hoạch sản lượng “khủng”

Theo ông Nguyễn Đức Trí - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây thanh long (Sở NN-PTNT Bình Thuận), hiện nay cả tỉnh có khoảng 30.000 ha thanh long. Diện tích nhiều nhất là Hàm Thuận Nam với chừng 12.000 ha, sau đó là Hàm Thuận Bắc 9.000 ha và Bắc Bình khoảng 4.000 ha. Trong khi đó, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 11.000 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện nay, người dân trồng thanh long đã cơ bản ý thức được việc sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP. Do vậy, diện tích không phát triển như vài năm trước, thay vào đó là các mô hình liên kết sản xuất thanh long sạch. Tuy nhiên, số ít bà con vẫn không tuân thủ các bước chăm sóc theo VietGAP.
Cũng theo ông Trí, hiện đang là mùa vụ chính của thanh long. Trong tuần tới, một diện tích rất lớn được bà con các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc thu hoạch có thể tới hơn 100.000 tấn. “Giá hiện nay chỉ 6.000 - 7.000 đồng. Nếu việc xuất khẩu trục trặc có thể giá còn xuống nữa, và chắc chắn bà con sẽ lỗ”, ông Trí cảnh báo. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.