Ngày 9.4, người viết trở lại Tiểu khu 19 (khu vực rừng được bảo vệ nghiêm ngặt) thuộc địa bàn xã Thạnh Phong và tận mắt chứng kiến cảnh bơm hút trộm cát tại đây.
Xuyên rừng trong đêm, tiếp cận “cát tặc”
Theo lời người dân thì trong những ngày qua, “cát tặc” bơm hút gần như suốt ngày đêm từ khu vực Tiểu khu 19 ra tuyến đường Phòng chống cháy rừng. Đây là tuyến đường do UBND H.Thạnh Phú làm chủ đầu tư, Công ty TNHH xây dựng cầu đường Bến Tre là đơn vị trúng thầu thi công với chiều dài khoảng 1,5 km, nối từ cồn Đâm (xã Thạnh Phong) đến cồn Bửng (xã Thạnh Hải). Công trình cần lượng cát san lấp khoảng 13.000 m3, nhưng do thiếu nguồn cát nên việc thi công rất chậm chạp.
“Họ bơm gần như suốt đêm ngày, đặc biệt lúc rừng xanh nổi gió là lúc tiếng máy gào thét dữ dội nhất. Vị trí bơm hút chỉ cách lộ lớn chưa tới 1 km và cách con đường Phòng chống cháy rừng khoảng chỉ hơn 100 m. Nhưng, nếu đi từ đường lớn ngang qua cồn Đâm sẽ dễ bị phát hiện và sẽ không quay phim, chụp hình được vì bị “người lạ” cản trở”, một người dân sống cạnh khu rừng trên cảnh báo.
Sau khi chạy xe máy xuống cồn Dơi (khu vực rừng giao khoán cho dân canh tác), rồi băng rừng thêm gần 2 km trong đêm tối, chúng tôi mới tiếp cận được nơi “cát tặc” đang hoành hành. Đúng lúc nước ròng nên “cát tặc” đã tạm nghỉ và đi khỏi nơi này. Chúng tôi lần theo đường ống có đường kính khoảng 50 cm, dài hơn 100 m nối giữa dàn bơm hút của máy D24 với phần nền hạ của đường Phòng chống cháy rừng. Tại phần nền hạ của con đường, chúng tôi pha đèn vào thì thấy bùn cát còn đục ngầu, nước và bùn lẫn trong cát còn rỉ ra ngoài, chứng tỏ “cát tặc” mới vừa bơm lên đây. Lần vào trong thì thấy dàn máy bơm nằm giữa một vùng nước sâu hoắm giữa rừng; xung quanh cây cối vừa bị chặt ngã la liệt, có cây đường kính trên 25 cm. Nhiều bậc đất lở nửa trên nửa dưới vực nước…
Tại đây, chúng tôi còn gặp một thanh nhang muỗi vẫn còn cháy đỏ nên có thể khẳng định “cát tặc” vừa hành nghề ở đây không lâu. Ngoài ra, “cát tặc” còn để trên thân một cây bần đắng cây sứa và cây búa tay bén ngót - 2 dụng cụ dùng để hạ nhánh và thân cây rừng. Cách khu vực để dàn máy và đường ống khoảng 100 m là vùng rừng bị phá thành bình địa, rộng khoảng mấy trăm mét vuông.
Theo tính toán của “dân trong nghề”, đường ống có đường kính cỡ 50 cm và chạy máy D24 thì nhân lúc nước lớn, mỗi đêm “cát tặc” sẽ bơm hút được khoảng trên 100 m3 cát. Hai vùng nước lộ thiên mà chúng tôi ghi nhận được, ước sẽ hút trên 500 m3 cát lấp và trên thực tế, lượng cát trên phần nền hạ của đường Phòng chống cháy rừng cũng tương đương như vậy.
|
“Buộc họ bơm cát trả lại còn khó hơn… lên trời”
Ghi nhận hiện trường xong lúc 22 giờ, chúng tôi rút nhanh ra ngoài. Theo các số ĐTDĐ do người dân cung cấp, chúng tôi gọi cho lãnh đạo các đơn vị chức năng quản lý rừng để báo tin, nhưng số thì không liên lạc được, số khác thì chủ thuê bao không nghe máy. Sau đó, chúng tôi liên lạc được với ông Nguyễn Quang Kiệt, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre. Sau khi được báo tin, ông Kiệt cho biết sẽ điều động lực lượng đến kiểm tra.
Chúng tôi chạy xe máy đến chờ trước trạm kiểm soát của cán bộ Tiểu khu 19, đến khoảng 23 giờ 20 cùng ngày, thì ông Trương Văn Phương, Trưởng phân khu này, dẫn đầu đoàn kiểm tra gồm 5 người (có sự phối hợp của cán bộ tiểu khu rừng phục hồi sinh thái). Khi đoàn đến hiện trường tại đường Phòng chống cháy rừng, đoạn ống đã bị cắt đứt ngang bỏ lại trên phần nền hạ. Tuy vết cắt còn mới toanh, nhưng ông Phương kết luận đây là đường ống cũ và cát đã bơm từ trước đó (!?).
Khi chúng tôi hỏi rằng phần cát hiện tồn tại trên nền hạ của tuyến đường này từ đâu, ông Phương nói đã từng bắt được “cát tặc” bơm hút trong rừng ra. Cùng lúc đó, một cán bộ khác chung đoàn nói thêm: “Buộc họ bơm cát trả lại còn khó hơn… lên trời”.
Vấn đề nhức nhối
Theo ông Mai Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Thạnh Phú - đại diện đơn vị chủ đầu tư công trình đường Phòng chống cháy rừng, thì nguyên liệu sử dụng cho công trình chủ đầu tư không quản lý. Trường hợp nếu đơn vị thi công mua nguyên liệu không chứng minh được nguồn gốc thì do các đơn vị giám sát chịu trách nhiệm theo dõi.
Về tình hình “cát tặc” hoành hành tại khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn huyện, cũng như tình trạng người dân dùng đất nông nghiệp để bán tận thu cho các “cò cát” bơm bán vào nền hạ các công trình như phản ánh thời gian qua, ông Hùng cho rằng “đó là vấn đề nhức nhối của địa phương”.
|
Bình luận (0)