Tái hiện cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong phim Mưa đỏ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/07/2024 07:30 GMT+7

Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 sẽ được tái hiện trong Mưa đỏ, một tác phẩm của Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Sau văn học, sân khấu là điện ảnh

Tiểu thuyết Mưa đỏ của đại tá, nhà văn Chu Lai sẽ có thêm một phiên bản nữa - tác phẩm điện ảnh Mưa đỏ, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Trước đó, năm 2016, tiểu thuyết Mưa đỏ đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn VN và giải A Giải thưởng Bộ Quốc phòng. Tác phẩm cũng từng được dựng thành kịch nói, chèo và giữ nguyên tên. Mới nhất, NSND Trịnh Thúy Mùi và Đoàn chèo Hải Phòng đã công diễn vở chèo Mưa đỏ trên sân khấu Nhà hát Lớn Hải Phòng. Giờ đây, Điện ảnh Quân đội nhân dân dựng phim Mưa đỏ tái hiện cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Tái hiện cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong phim Mưa đỏ- Ảnh 1.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền và cố vấn - NSND Nguyễn Thanh Vân

TL

Về Mưa đỏ tiểu thuyết, bài phê bình của tác giả Bùi Việt Thắng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội cho rằng ông đặc biệt chú ý tới đoạn kết mang tinh thần nhân văn, hòa hợp dân tộc. Mẹ của Cường (một chàng trai Hà Nội) vào chiến trường xưa tìm nơi con mình nằm lại. Tân, bạn của Cường, nói với bà: "Bác ơi… Đáy sông không phải chỉ có đồng đội bọn con nằm đâu mà còn cả lính phía bên kia nữa, nhiều lắm". Tại Quảng Trị, mẹ Cường gặp bà Lan, mẹ của một sĩ quan quân đội VNCH. Ông Thắng viết: "Hai bà mẹ chung một nỗi đau mất con dù lúc còn sống họ đứng ở hai chiến tuyến. Một cái kết lắng đọng tạo nhiều dư ba trong lòng bạn đọc".

Nhà văn Chu Lai cho biết trong kịch bản của mình, câu thoại: "Bác ơi đáy sông không chỉ có đồng đội bọn con nằm mà còn cả lính phía bên kia nữa, nhiều lắm" vẫn còn. "Giữ chứ, phải có câu chuyện hai bà mẹ đó chứ, đó chính là chủ đề mà. Chuyện đánh nhau viết mãi rồi, hai bà mẹ gặp nhau mới là quan trọng", nhà văn Chu Lai cho biết.

Theo dự kiến, phim có thời lượng khoảng 120 phút, do đạo diễn Đặng Thái Huyền thực hiện. Mưa đỏ lấy bối cảnh diễn ra chủ yếu ở Quảng Trị và một số địa điểm ở Thừa Thiên-Huế, Hà Nội và Paris (Pháp). Ê kíp đoàn phim dự kiến lên tới hơn 1.000 người. Nhà văn Chu Lai cho biết phim trường được dựng trên diện tích 50 ha ở Quảng Trị.

Nữ anh hùng trong thời đại "máu và hoa"

Nhà văn Chu Lai cho biết kịch bản điện ảnh sẽ khác với kịch bản sân khấu, những đại cảnh làm nên sự khác biệt này. Ông cũng hoàn toàn tin tưởng vào Điện ảnh Quân đội nhân dân, rằng đoàn phim sẽ tái hiện được cuộc chiến. "Kịch bản điện ảnh khác với bản sân khấu, vì điện ảnh sẽ dựng đại cảnh. Khi dựng đại cảnh, tôi cũng sẽ không tới nơi, không ý kiến quấy rầy người ta, để người ta tập trung vào làm. Đề tài của thành cổ Quảng Trị ám ảnh sẽ có xe tăng, tàu bò, tổng hành dinh hai bên. Họ thuê hẳn đất để dựng lên bối cảnh mới giống thành cổ. Họ cũng cho tôi xem qua rồi, tôi gật đầu ngay", nhà văn Chu Lai nói.

Tái hiện cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong phim Mưa đỏ- Ảnh 2.

Một nữ diễn viên thử vai trong Mưa đỏ

ĐIỆN ẢNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Câu chuyện về người phụ nữ ở Mưa đỏ bản gốc cũng được đánh giá cao trước đó. Chẳng hạn, bà Lan - mẹ của Cường, một mình nuôi con sau khi chồng mất, cũng là một cán bộ trong đoàn ngoại giao Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa. Từ Paris, bà luôn ngóng về quê nhà, nơi con trai đang chiến đấu. Còn Hồng, cô du kích Quảng Trị, người yêu của Cường trong chiến tranh cũng là một mẫu hình liệt nữ có một không hai, chỉ có ở VN trong thời đại máu và hoa.

Mưa đỏ vừa tổ chức tìm kiếm diễn viên tại Hà Nội, sau đó tại TP.HCM. Trong đó, đoàn phim tìm kiếm người diễn xuất 3 nhân vật chính là Cường, Quang và Hồng. Cường (20 - 25 tuổi) xuất thân gia đình trí thức, sinh viên nhạc viện, nói giọng Hà Nội, thư sinh trắng trẻo. Quang (20 - 25 tuổi), xuất thân gia đình gia giáo gốc Huế, tốt nghiệp trường võ bị, giọng Huế, rắn rỏi, gương mặt góc cạnh. Hồng (18 - 22 tuổi), xuất thân gia đình trí thức, là sinh viên, tóc đen dài, xinh đẹp dịu dàng.

Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền đã có nhiều kinh nghiệm với phim chiến tranh, hậu chiến qua các tác phẩm của Điện ảnh Quân đội nhân dân như Người trở về, Mười ba bến nước, Vũ khúc ánh trăng, Đất lành, Nơi ta không thuộc về.

Từ chia sẻ của nhà văn Chu Lai về hai bà mẹ, có thể thấy Mưa đỏ cũng sẽ có những đại cảnh khốc liệt ở thành cổ Quảng Trị, cũng như câu chuyện hậu chiến của hai bà mẹ mất con. Những giọt nước mắt của khán giả với Người trở về cho thấy có thể kỳ vọng vào tay nghề đạo diễn Đặng Thái Huyền khi chạm đến thân phận của những người phụ nữ, vào câu chuyện hậu chiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.