Tái hiện một cánh quân của Gióng

01/05/2012 03:21 GMT+7

Không khí trong thôn Lệ Chi nam (Gia Lâm, Hà Nội) sôi động hẳn từ khi dự án phục dựng lễ hội phù Gióng được thực hiện. Ngày 28.4, hội được Viện Văn hóa nghệ thuật phục dựng lần đầu sau khi rơi vào quên lãng từ năm 1945.

Tái hiện một cánh quân của Gióng
Binh hùng tướng mạnh đi đánh giặc n - Ảnh: Ngô Vương Anh

PGS-TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa nghệ thuật - VICAS) cho biết: “Theo truyền thuyết, từ thôn Lệ Chi nam này đã có một cánh quân cùng Gióng đánh giặc n. Lễ hội ngày 8.4 âm lịch tái hiện về cánh quân này. Đó chính là quân của Châu Đô thống. Khi mất, ông muốn đặt mộ mình gần làng Gióng. Sau đó ông được thờ tại Lệ Chi nam. Theo lệ, trước ngày hội Gióng một hôm, nhân dân rước kiệu Châu Đô thống cùng lễ vật từ đình Lệ Chi nam - từ bờ nam, nơi ngài ngự - sang đền Gióng Phù Đổng bên bờ bắc con sông Đuống”.

“Nếu trong hội Gióng có hội trận thì tại hội phù Gióng lại có hội trận con”, PGS-TS Bùi Quang Thanh nói. Theo nghiên cứu điền dã, hội trận ở Lệ Chi có quy mô nhỏ hơn. Nó không đủ các vai ông hiệu, cô tướng và chỉ diễn ra trong sân đình. Tuy nhiên, hội trận chính là điểm nhấn đặc sắc đã từng hút đông đảo nhân dân đến dự hội Gióng và hội phù Gióng hằng năm.

Cũng tương tự như ở hội trận hội Gióng, người ta luôn muốn có lộc là hoa tre, mảnh chiếu để mang về. Tại hội phù Gióng, lộc chính là mảnh xơ dừa của một quả dừa tượng trưng cho đầu tướng giặc n. Trước đó, quân đỏ với gậy tre cuốn vải đỏ (quân nhà Thánh) đã đánh thắng quân xanh với gậy tre quấn vải xanh (giặc n). Quả dừa tượng trưng cho đầu tướng giặc đã bị đưa lên một cành tre (ngọn chẻ ra làm bốn) trong tiếng hò reo của cả đám hội.

Đội “quân nhà Thánh” xúm lại lay cho quả dừa từ ngọn tre rơi xuống. Sau đó là cảnh “cướp” dừa hoạt náo. Từng chút xơ dừa cũng được “cướp” cùng với lòng hoan hỉ và niềm tin về sự may mắn, thịnh đạt sẽ đến với mình và gia đình trong cả năm... Nhân dân hồn nhiên dự hội, vui mãn nguyện mà chưa (hoặc chẳng) cần biết từng kịch bản của hội đã có bao nhiêu lớp phủ văn hóa và thời gian...

Hoàn thiện không gian hội Gióng

“Chúng tôi phục dựng hội phù Gióng dựa trên những ghi chép dân tộc học của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên, một số tư liệu Hán Nôm và qua trí nhớ của những người già trong cộng đồng”, PGS-TS Thanh cho biết.

“Tất cả kịch bản, “đạo cụ” (quần áo lễ, kiệu, ngựa, cờ, chấp kích...) được đặt làm trong dự án phục dựng sau đó sẽ được chuyển lại cho cộng đồng quản lý để năm sau lễ hội lại diễn ra mà không còn cần tới bàn tay hướng dẫn của các đạo diễn. Ngay sau lễ hội năm nay chúng tôi sẽ có đánh giá và sẽ có những chỉnh sửa nếu cần thiết”, PGS-TS Thanh nói.

Anh Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch UBND xã Lệ Chi nhận xét: “Từ khi bắt đầu dự án phục dựng lễ hội phù Gióng, không khí trong thôn sôi động khác hẳn. Với kịch bản được các nhà nghiên cứu soạn từ những tư liệu truyền thống quê hương, sang năm chúng tôi sẽ tổ chức lễ hội tốt hơn”.

Nếu được cộng đồng nuôi dưỡng, lễ hội phù Gióng ở Lệ Chi nam sẽ là một nét đẹp bổ sung, hoàn thiện hơn cho hội Gióng trong “không gian văn hóa Gióng” - nếu có thể gọi như thế với vùng “cư trú” của tục thờ thánh Gióng và hội Gióng, trải rộng khắp tam giác lưu vực sông Đuống - sông Hồng tới núi Vệ Linh (Sóc Sơn, Hà Nội).

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.