Tái hiện vai diễn Thi Sách của nhà yêu nước Phan Châu Trinh

12/06/2022 09:40 GMT+7

Vai diễn Thi Sách - chồng Bà Trưng Trắc mà cụ Phan Châu Trinh từng dàn dựng và biểu diễn lần đầu tiên tại nhà tù Côn Lôn năm 1910 trong tuồng Trưng Vương Bình Ngũ Lãnh được tái hiện trong sự kiện tại Đường sách TP.HCM chiều 11.6.

Nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9.9.1872 - 9.9.2022), Câu lạc bộ (CLB) Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ đã phối hợp cùng Khoa Du Lịch - Trường Đại học Hoa Sen (TP.HCM) tổ chức chương trình Danh nhân Phan Châu Trinh - Cuộc đời và dấu ấn tại Đường sách TP.HCM; đồng thời, tái hiện vai diễn Thi Sách mà ông từng biểu diễn vào năm 1910 tại nhà tù Côn Lôn (Côn Đảo).

Ông Nguyễn Đông Hòa (trái) - cháu cố của cụ Phan Châu Trinh giao lưu cùng khán giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình

b.c

Trước đó, hôm 14.5 tại đền thờ của ông (9 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã diễn ra chương trình đầu tiên Tìm hiểu Danh nhân Văn hóa Phan Châu Trinh cũng đã mang đến nhiều xúc động cho người xem. Chương trình tiếp theo của CLB dự kiến sẽ được giới thiệu tại Trường THPT Ernst Thälmann, TP.HCM.

Chương trình có có sự góp mặt và chia sẻ của ông Nguyễn Đông Hòa - cháu cố của cụ Phan Châu Trinh. Hiện ông Hòa cũng là người trực tiếp quản lý khu đền thờ của danh nhân Phan Châu Trinh tại Q. Tân Bình, TP.HCM.

Ông Nguyễn Đông Hòa bày tỏ sự xúc động khi tinh thần Chi Bằng Học với quan điểm Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh của thế hệ tiền nhân, cũng là ông của mình, vẫn có tính thời đại cho đến ngày nay. Hạnh phúc và tự hào hơn cả là tinh thần này đang được các thế hệ ngày nay tìm hiểu và làm “sống dậy” với những điều tác động tích cực nhất cho thế hệ trẻ hôm nay.

Ông cho biết, tiếp nối những gì cha mẹ đã làm trước đó khi quản lý đền thờ của ông Phan Châu Trinh, với vai trò - trách nhiệm của một người cháu, ông đã cho mở Thư viện cộng đồng tại đền thờ để mọi người có thể đến đọc sách, tìm hiểu hơn về tinh thần tiến bộ của thế hệ cha ông đi trước. Ông cho biết sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình ý nghĩa để đến gần với người trẻ hôm nay hơn. Đồng thời, dự kiến sẽ đưa Đền thờ nhà yêu nước Phan Châu Trinh trở thành điểm đến của du lịch - văn hóa dành cho người dân.

Các sinh viên trường Đại học Hoa Sen cùng tham gia tái hiện hình ảnh của các tù nhân tại đảo Côn Lôn

b.c

Trích đoạn Trưng Vương Bình Ngũ Lãnh do diễn viên Đông Hòa (vai Thái thú Tô Định) và Nhựt Quang (vai Ưng Trành) thể hiện

b.c

Cũng trong chương trình, CLB còn tái hiện vai diễn Thi Sách - chồng Bà Trưng Trắc mà cụ Phan Châu Trinh từng dàn dựng và biểu diễn lần đầu tiên tại nhà tù Côn Lôn năm 1910 trong tuồng Trưng Vương Bình Ngũ Lãnh. Trích đoạn được diễn giả Hồ Nhựt Quang chuyển thể cải lương từ nguyên tác của ông Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh.

Diễn viên Lý Trung Tín vai Thi Sách

b.c

Lúc bấy giờ, vở diễn này được thực hiện với mục đích truyền cho tù nhân sức mạnh đứng lên vì đồng bào, Tổ quốc, đồng thời cảm hóa cả những người quản ngục. Ngoài vở tuồng này, sau đó khi sang Thái Lan, ông Phan Châu Trinh còn viết thêm tác phẩm Trưng Nữ Vương.

Trong chương trình chiều 11.6, vở diễn Trưng Vương Bình Ngũ Lãnh được trình diễn bởi 3 diễn viên Minh Hòa, Nhựt Quang và Lý Trung Tín. Các diễn viên tái hiện đoạn Thi Sách đối đầu với thái thú Tô Định, Ưng Trành (nhân vật Chương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh) và bị chém đầu. Tuy chỉ là một trích đoạn ngắn nhưng tiết mục này đã làm rõ tinh thần yêu nước của Thi Sách, người đã chấp nhận cái chết chứ không đầu hàng trước kẻ gian tham, cướp nước và bán nước.

Các diễn viên CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình cụ Phan Châu Trinh và khán giả nhí

b.c

Khi tái hiện, trích đoạn đã nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt của khán giả có mặt tại chương trình. Đặc biệt, bà Lê Thị Sáu - cháu dâu của nhà yêu nước Phan Châu Trinh bày tỏ xúc động khi được xem lại vai diễn của ông.

Giao lưu với khán giả, diễn giả Văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ cũng chia sẻ thêm về tinh thần yêu nước bằng những hành động thiết thực của danh nhân Phan Châu Trinh thông qua tư tưởng Chi Bằng Học; đồng thời qua những tác phẩm trong Gia Huấn Ca, Phan Châu Trinh đã thể hiện rõ tầm nhìn của mình khi nhìn thấu tỏ nguyên nhân đứt gãy kết nối của lòng thủy chung, hiếu thảo, ứng xử nghĩa tình và nhất là tinh thần yêu nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.