Tai họa cháy nổ pin sạc: Buông lỏng đầu vào, bỏ quên đầu ra

11/02/2017 07:23 GMT+7

Đã không được kiểm định chất lượng khi nhập tràn lan hàng giá rẻ vào thị trường VN với số lượng lớn, ngay khâu quản lý rác thải rắn là các loại pin đã qua sử dụng này cũng đang bị bỏ quên. Mà pin hỏng là chất độc gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước.

Trong cuộc cạnh tranh mẫu mã của các mặt hàng điện tử, pin là một trong những "vũ khí" quan trọng với tiêu chuẩn “càng nhỏ càng đẹp”. Theo chuyên gia năng lượng, TS Khương Quang Đồng (Việt kiều Pháp), chuẩn này đã tạo ra xung đột lớn ngay trong nội bộ của các tập đoàn điện tử giữa bộ phận nghiên cứu mẫu mã, nhưng đảm bảo an toàn kỹ thuật với bộ phận tiếp thị kinh doanh. “Khi đã cố gắng thiết kế thật nhỏ, thật tinh xảo để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, phải nén dung lượng viên pin lại. Tai nạn với chiếc smartphone Samsung Note 7 vừa qua là dẫn chứng sinh động. Giới kỹ thuật gọi đó là xung đột trong cuộc cách mạng công nghiệp, giữa ranh giới của sự tinh xảo và an toàn. Cuộc chiến này dự báo sẽ còn tái diễn trên con đường phát triển công nghệ cao của thế giới”, TS Đồng dự báo.
Không có pin an toàn tuyệt đối
Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch VN, cho rằng sản phẩm sử dụng pin sạc phải tuân thủ 3 vấn đề về kỹ thuật. Đó là pin dùng cho sản phẩm phải được dùng thời hạn bao lâu, sạc bao lâu mới được phép sạc lại, nếu làm nhỏ - độ an toàn phải đảm bảo tuân thủ những nguyên tắc an toàn nào. “Ngay cả hàng chính hãng, khi hướng dẫn cho khách sử dụng, chúng ta rất lơ là vấn đề này. Còn hàng trôi nổi, hàng nhái hàng giả thì việc không tuân thủ kỹ thuật sản xuất, lại được sử dụng không đúng cách, tai nạn cháy nổ xảy ra là điều tất yếu”, ông Huệ nhấn mạnh.

Từng bước một, hãy tập thói quen cho người dân nói không với pin không an toàn, cách bỏ pin hỏng đã qua sử dụng và gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối với mặt hàng pin thế nào. Các công ty sản xuất, phân phối sản phẩm pin phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, song song việc siết đầu vào là trách nhiệm của cơ quan quản lý

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch VN

Đồng quan điểm, kỹ sư Phan Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần khoa học công nghệ Petech, cho rằng hiện nay không có sản phẩm pin nào gọi là hoàn thiện 100%. “Vấn đề ở chỗ, sản phẩm đạt yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật ở một mức chấp nhận được, thì người ta đưa vào sản xuất và kinh doanh thương mại. Khi một viên pin bị nổ thì phải trải qua chuỗi biến đổi về năng lượng và khi sự giãn nở nhanh gây phá vỡ cấu trúc viên pin sẽ tạo nổ”, ông Dũng nói. Để ngăn ngừa tình trạng này, nhà sản xuất đã cung cấp bộ nạp điện phù hợp với từng loại máy, từng loại pin. "Vì vậy, tránh sử dụng bộ nạp không đúng chủng loại, hoặc loại kém chất lượng để sạc điện thoại. Các nhà sản xuất thiết bị đều đã có vận hành kiểm thử ở chế độ bão hòa và phá hỏng. Pin được nạp điện quá dòng để gây cháy nổ ngay từ trong phòng thí nghiệm của họ. Khi xuất xưởng, chế độ vận hành bình thường thì nhiệt và năng lượng tiêu hao của pin thấp hơn nhiều so với ở chế độ kiểm thử nên độ an toàn là rất cao", ông Dũng phân tích.
Như vậy, vì an toàn cho người sử dụng, việc kiểm soát gắt gao việc sản xuất, tiêu thụ pin là điều phải được chú trọng và đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Cũng như một số chuyên gia và doanh nghiệp từng nhận xét, ông Huệ cho rằng việc quản lý đầu vào các sản phẩm pin và sử dụng pin tại VN đang bị buông lỏng. “Quản lý chất lượng, quản lý thị trường phải quản lý chặt vấn đề này, không thể để chuyện hàng trôi nổi, giả nhái nhan nhản trên thị trường, gây nổ chết người mà các cơ quan quản lý không liên quan là điều chúng ta phải cần xem xét lại”, ông Huệ nhận xét.
Bỏ quên quản lý pin thải
Tránh cháy nổ điện thoại
Theo kỹ sư Phan Trí Dũng, người dùng cần tuân thủ các điều sau đây để tránh sự cháy nổ và các nguy hiểm do cháy nổ pin sạc. Đó là trong khi sạc thì không sử dụng điện thoại, đặt điện thoại nơi thoáng khí và không ngồi gần điện thoại dưới 2 m. Không sạc pin điện thoại khi môi trường xung quanh nóng trên 350C. Không sử dụng bộ sạc khác loại với điện thoại hoặc bộ sạc hàng nhái. Không nên dán chống trầy cho điện thoại vì lớp dán ngăn cản việc tỏa nhiệt của thân điện thoại khi sạc pin. Tuyệt đối không sử dụng bao điện thoại, ốp lưng, vỏ bọc trong khi sạc. Vì đây là nguyên nhân gây ủ tích nhiệt, dễ dàng gây nổ pin và cháy hỏng điện thoại cũng như các thiết bị điện.
Không chỉ quản lý đầu vào, ông Huệ cũng nhấn mạnh điều quan trọng hơn nữa là quản lý việc tiêu hủy, tái sử dụng pin thế nào tại VN là vấn đề lớn liên quan đến môi trường, sinh mạng con người về lâu dài nhưng hầu như chưa bao giờ được đề cập đến. “Chúng ta chưa có chính sách về việc thu hồi pin đã sử dụng thế nào, tiêu hủy, tái tạo ra làm sao. Pin đã qua sử dụng hư bỏ chính là chất thải rắn rất độc hại cho môi trường. Chất chì trong pin ngấm vào đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước trên sông hồ… ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân. Chính vì chúng ta không kiểm soát được đầu vào nên đầu ra chất thải này cũng bị “bỏ quên” luôn”, ông Huệ cảnh báo và nhấn mạnh, về lâu dài, khi xã hội tiêu thụ nhiều sản phẩm xe máy điện, xe hơi điện, ngay từ bây giờ, trước “cơn bão” pin sạc tràn lan trên thị trường, các cơ quan quản lý cần ngồi lại, nhìn nhận vấn đề này nghiêm trọng thế nào để có phương hướng định hướng và giải quyết trong tương lai gần.
Ông Huệ nói thêm: “Ví dụ, các nước tiên tiến, trong siêu thị, tại các điểm công cộng đều có thùng rác bỏ chất thải cứng, độc hại riêng. VN tuy đôi lần có đề cập đến câu chuyện phân loại rác, nhưng chưa ai nói việc ném viên pin nhỏ đã hỏng vào thùng rác thải sinh hoạt gây hậu quả thế nào. Chúng ta chưa có những cảnh báo sơ khai như vậy, nên thà muộn còn hơn không, hãy bắt tay vào làm ngay bây giờ. Từng bước một, hãy tập thói quen cho người dân nói không với pin không an toàn, cách bỏ pin hỏng đã qua sử dụng và gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối với mặt hàng pin thế nào. Các công ty sản xuất, phân phối sản phẩm pin phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, song song việc siết đầu vào là trách nhiệm của cơ quan quản lý”.
Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, liên tục mấy tháng nay trên thị trường đã xảy ra một số vụ cháy nổ do sử dụng thiết bị pin sạc nhưng cơ quan này vẫn chưa có “chiến dịch truy quét” nào liên quan đến sản phẩm pin bán trôi nổi. Theo đại diện của Quản lý thị trường TP.HCM, việc kiểm tra thị trường, chống buôn lậu là việc làm thường xuyên của đơn vị này, tuy nhiên, một “chuyên đề” kiểm tra riêng về mặt hàng pin sạc trôi nổi trên thị trường là chưa có kế hoạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.