Tai họa “nhà bám đường”

12/07/2016 06:18 GMT+7

Câu chuyện xe tải, xe container, xe khách, xe du lịch... lao vào nhà dân ven đường gây thương vong về người thực ra chẳng có gì mới, vì nó diễn ra như cơm bữa.

Đó là một trong những hoàn cảnh điển hình của tai nạn giao thông đường bộ ở VN. Các vụ xe lao vào nhà ấy diễn ra bởi nhiều nguyên nhân khách quan, ví dụ như nổ bánh xe, cháy bố thắng, mất lái chẳng hạn. Ngoài ra còn có 2 nguyên nhân chính: Một là, do tài xế ngủ gục hoặc thiếu tập trung, ví dụ như vừa lái vừa nghe điện thoại; Hai là, do nhà của dân chúng cứ “bám dính” hai bên đường, nhất là trên các quốc lộ.
Do tập quán sinh sống từ xa xưa, người dân nước ta rất thích cất nhà ven quốc lộ để tiện kinh doanh, buôn bán và dễ dàng đi lại. Mật độ nhà cửa dày đặc phải kể đến trên QL1 - Con đường cái quan từ bắc vào nam. Nhìn thấy được sự bất tiện này, ngành giao thông đã thiết kế những con đường tránh trên các quốc lộ chạy vòng qua thị trấn, thị xã, thành phố đông đúc dân cư. Thế nhưng cái tập quán “bám đường, bám lộ” vẫn cứ tái diễn, đường mở đến đâu thì y như rằng nhà theo đến đó. Ngay cả đường cao tốc cũng cùng chung số phận. Chẳng có tuyến đường cao tốc nào ở VN không bị người ta xâm hại. Sự xâm hại phổ biến nhất là cắt hàng rào an toàn hai bên đường để dễ đi tắt và cả chuyện buôn bán. Vì có người bán nên ắt cũng có người mua và tài xế xe khách sẵn sàng dừng xe trái quy định trên đường cao tốc để thỏa mãn nhu cầu, bất chấp hiểm nguy. Mối hiểm nguy này hoàn toàn không bao giờ thấy diễn ra trên các đường cao tốc ở các nước văn minh.
Có một tin vui là đề án “Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc VN đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt, khả năng hiện thực trong tầm tay. Tuyến đường dài hàng ngàn ki lô mét ấy nói hóm hỉnh là một bản “tân cổ giao duyên” vì nó dựa trên nền tảng nâng cấp QL1 hiện nay, đồng thời kết nối với các tuyến đường cao tốc hiện hữu lẫn những tuyến đang và sẽ thi công. Cái lợi của Con đường cái quan cao tốc là nó sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ bắc vào nam và ngược lại. Song tuyến đường ấy sẽ chẳng đạt được hiệu quả như mong muốn nếu chúng ta không giải quyết rốt ráo câu chuyện “nhà bám đường”. Đến lúc này, mọi biện pháp cần thiết nhằm tạo ra hành lang an toàn cho đường cao tốc phải đạt cho bằng được. Đó là giải tỏa tất cả nhà dân, công sở… còn bám hai bên đường, thành lập những khu dân cư tập trung với hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh tránh xa đường cao tốc. Hai dãy rào chạy dọc theo đường cao tốc phải ứng dụng công nghệ “hàng rào điện tử” như các nước tiên tiến đang ứng dụng. Sự lợi hại của “hàng rào điện tử” cho chúng ta biết đoạn rào nào đang bị “hở” do bị ai đó cắt. Khi ấy, cơ quan quản lý dễ dàng nhận biết và nhanh chóng đến hiện trường để xử lý tình huống. Và còn một điều tối cần thiết mà thiết nghĩ các cơ quan hữu trách đã toan tính, đó là thiết lập những trạm dừng chân phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người đi đường, nhất là nhà vệ sinh. Trên nhiều xa lộ ở châu Âu, cứ cách 10 km là có một cái toilet công cộng.
Hãy hình dung hai bên đường cao tốc là bãi cỏ hoặc đồng ruộng, khi chiếc xe tải mất lái sạt ngang thì mức độ thương vong sẽ giảm thiểu rất nhiều so với tông vào nhà khi mọi người trong gia đình đang ăn cơm hoặc ngủ say. Sinh mệnh là vô giá, mọi kế hoạch vừa nêu chung quy nhằm bảo vệ tính mạng cho người dân vốn quen bám theo quốc lộ. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi lối sống tiềm ẩn hiểm nguy ấy.
Đ.X.H
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.