Mới đây, Trung Quốc đã phóng tên lửa đẩy Trường Chinh mang theo mô đun Thiên Hòa lên quỹ đạo trái đất ngoài không gian để bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung.
Nhạo báng sự bi thương
Nhân sự kiện này, trên nền tảng mạng xã hội Weibo, một tài khoản đã đăng bức ảnh tên lửa Trường Chinh phụt lửa để bay vào không gian, theo CNN. Bên cạnh đó, còn có tấm ảnh đăng kèm là hình các giàn hỏa thiêu đang bốc cháy vào ban đêm dưới sự chứng kiến của những người mặc quần áo truyền thống Ấn Độ. Hình ảnh hỏa thiêu được hiểu là nhằm ám chỉ việc hỏa táng những người Ấn Độ qua đời vì dịch bệnh Covid-19, vốn đang trở thành thảm họa ở nước này khi có ngày mà số ca nhiễm mới vượt con số 400.000.
Kèm theo các hình ảnh so sánh vừa nêu, tài khoản mạng xã hội trên còn kèm theo dòng chú thích: “Trung Quốc đốt lửa so với Ấn Độ đốt lửa”, và đính kèm hashtag (#) về việc số ca nhiễm Covid-19 của Ấn Độ đã tăng hơn 400.000/ngày.
Theo CNN, tài khoản đăng nội dung trên được cho là có liên quan Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, một cơ quan quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cơ quan này phụ trách giám sát các tòa án và cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc. Một số tài khoản chính phủ khác do cảnh sát và tòa án địa phương điều hành đã chia sẻ lại nội dung trên.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi tài khoản Weibo trên đăng tải các nội dung vừa nêu, nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã bị sốc bởi những gì thể hiện chẳng khác nào sự nhạo báng đối với những người Ấn Độ qua đời vì Covid-19. Dù mới hồi năm ngoái, 2 nước đã xung đột ở biên giới khiến dư luận Trung Quốc chỉ trích Ấn Độ mạnh mẽ, nhưng giờ đây cộng đồng mạng Trung Quốc cũng chỉ trích sự nhạo báng trên.
|
Một bình luận ở vị trí đầu tiên bên dưới bài viết đã chỉ trích: “Tôi không thể tin rằng điều này được đăng bởi một tài khoản chính phủ. Tại sao bạn cần phải sử dụng sự đau khổ của người khác để nêu bật lòng tự hào dân tộc?”.
“Làm thế nào điều này có thể được chấp thuận (bởi các nhà kiểm duyệt)? Đó là một sự thiếu tôn trọng hoàn toàn cuộc sống của con người”, một người đọc khác bình luận
Ngay cả ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Hoàn Cầu thời báo - tờ báo nhà nước nổi tiếng với khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc, cũng chỉ trích bài đăng: “Tôi không nghĩ rằng việc các tài khoản mạng xã hội của một số tổ chức chính thức của Trung Quốc hoặc các lực lượng có ảnh hưởng khác lại có thể chế nhạo tình hình Ấn Độ hiện tại”.
Lo ngại hành xử cực đoan
Giữa những phản ứng dữ dội trên mạng, bài đăng trên đã bị xóa khỏi Weibo. Nhưng vụ việc này một lần nữa đặt ra vấn đề về tình trạng một số quan chức, cơ quan Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội để để kích động chủ nghĩa dân tộc, nhấn mạnh khuynh hướng ngoại giao “Chiến lang” mà nước này đang theo đuổi.
Tháng 4 vừa qua, tờ South China Morning Post đưa tin ông Triệu Lập Kiên – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thông qua tài khoản Twitter, vừa sử dụng hình ảnh của bức tranh Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa (The Great Wave Off Kanagawa) kèm theo hình ảnh “chế” lại bức tranh này để mô tả về việc Nhật Bản quyết định thải nước đã qua xử lý của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Vụ việc đã khiến Tokyo giận dữ.
|
Cuối năm 2020, phát ngôn viên Triệu đã đăng tải hình ảnh một người đàn ông ăn mặc như binh sĩ Úc cầm dao dính máu kề cổ một đứa trẻ Afghanistan. Từ bức ảnh này, phát ngôn viên Triệu muốn ám chỉ điều mà ông cho là tội ác chiến tranh liên quan quân đội Úc ở Afghanistan. Nhưng sau đó, tấm ảnh được cho là một “sản phẩm dàn dựng”. Vụ việc gây nên sự phản đối kịch liệt của Úc đối với Trung Quốc.
Bình luận (0)