Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại ‘gây thị phi’ trên mạng xã hội

28/04/2021 17:24 GMT+7

Từng bị chỉ trích vì đăng các nội dung “gây sự” với nước khác trên mạng xã hội , ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lại vừa đăng tải thông tin trên Twitter "cà khịa" Nhật Bản khiến Tokyo giận dữ.

Tờ South China Morning Post ngày 28.4 đưa tin phát ngôn viên Triệu Lập Kiên, thông qua tài khoản Twitter, vừa sử dụng hình ảnh của bức tranh Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa (The Great Wave Off Kanagawa) kèm theo hình ảnh “chế” lại bức tranh này để mô tả về việc Nhật Bản quyết định thải nước đã qua xử lý của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Gây sự nhiều bên

Bức tranh Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa của họa sĩ nổi tiếng Nhật Bản Katsushika Hokusai mô tả ngọn sóng lớn đang tấn công vào tàu thuyền của ngư dân, phía xa là núi Phú Sĩ. Trong nội dung đăng trên Twitter, ông Triệu đăng kèm theo còn có 1 ảnh “chế” của bức tranh khi hình ảnh tàu cá ngư dân được thay bằng tàu đem theo phóng xạ đổ xuống biển.

Kèm theo đó là những nội dung: “Một họa sĩ Trung Quốc đã vẽ lại bức tranh Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa. Nếu họa sĩ Katsushika Hokusai vẫn còn sống thì chắc ông ấy sẽ quan tâm đến vấn đề hạt nhân của Nhật Bản”.
 

Nội dung ông Triệu "cà khịa" trên mạng xã hội

CHỤP LẠI MÀN HÌNH TWITTER

Vừa qua, Tokyo khẳng định nước thải của nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã được qua xử lý nên khi xả ra biển sẽ không gây hại. Nhật cũng chỉ ra rằng cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc cũng thực hiện tương tự.

Chính vì thế, nội dung trên của ông Triệu đã bị Tokyo chỉ trích mạnh mẽ vì mang tính “cà khịa”. Theo Kyodo, Nhật Bản đã đưa ra phản đối ngoại giao chính thức với Trung Quốc về vụ việc này, đồng thời yêu cầu ông Triệu phải rút nội dung trên khỏi Twitter.

Đây không phải là lần đầu tiên phát ngôn viên Triệu bị chỉ trích vì các nội dung của ông đăng tải trên mạng xã hội. Hồi tháng 3.2020, cũng thông qua Twitter, ông Triệu Lập Kiên đăng tải thuyết âm mưu rằng quân đội Mỹ đã đưa virus gây bệnh Covid-19 đến Vũ Hán (Trung Quốc) dẫn đến bùng phát đại dịch rồi đổ lỗi cho Trung Quốc. Nội dung này đã bị Washington lên án mạnh mẽ.

Trước đó, vào ngày 30.11.2020, tài khoản của ông Triệu Lập Kiên trên Twitter đã đăng tải hình ảnh một người đàn ông ăn mặc như binh sĩ Úc cầm dao dính máu kề cổ một đứa trẻ Afghanistan. Từ bức ảnh này, phát ngôn viên Triệu muốn ám chỉ điều mà ông cho là tội ác chiến tranh liên quan quân đội Úc ở Afghanistan. Nhưng sau đó, tấm ảnh được cho là một “sản phẩm dàn dựng”. Vụ việc gây nên sự phản đối kịch liệt từ Canberra.

Nghi án “chiến dịch bẩn”

Trong khi đó, rất nhiều tài khoản đã chia sẻ và ủng hộ cho nội dung của ông Triệu đưa ra. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, Công ty an ninh mạng Cyabra (Israel) phát hiện 57,5% tài khoản tương tác với phần ông Triệu Lập Kiên đăng tải trên Twitter đều là tài khoản giả, được lập nên chỉ nhằm chia sẻ, phát tán hình ảnh trên.

Cụ thể hơn, Cyabra phân tích thì phát hiện 1.334 tài khoản đã tương tác với nội dung trên đều là tài khoản vừa được lập vào tháng 11 và không hề có hoạt động nào ngoài chia sẻ hình ảnh do ông Triệu Lập Kiên đăng tải nói trên.

Qua đó, phía Cyabra cho rằng đã có “bằng chứng về một chiến dịch được dàn dựng nhằm quảng bá cho thông tin sai sự thật này”. Tuy nhiên, phía công ty an ninh mạng của Israel không đề cập ai đứng sau chiến dịch.

Ông Triệu Lập Kiên đã đăng bức ảnh bị cho là dàn dựng để bôi nhọ binh sĩ Úc

CHỤP LẠI MÀN HÌNH TWITTER

Tương tự, chuyên gia Tim Graham, Đại học công nghệ Queensland (Úc), cũng vừa công bố nghiên cứu 10.000 phản hồi phần đăng tải của ông Triệu trên tài khoản Twitter. Qua đó, 8% tài khoản tham gia phản hồi chỉ mới được lập trong vòng 24 giờ kể từ khi ông Triệu đăng tấm hình trên. Nhiều phản hồi chứa các câu chữ trùng lặp nên có thể là tài khoản “ma” được vận hành bằng ứng dụng, để thực hiện chiến dịch cùng phát ngôn viên Triệu Lập Kiên bôi nhọ Úc. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.