Cuộc trắc nghiệm 30 ngày
Ngày 2.4, tướng Weyand tổ chức cuộc họp hỗn hợp Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Ngay sau đó, một tuyến phòng thủ kéo dài được thiết kế với 2 “tử điểm” là Phan Rang và Xuân Lộc cùng với Tây Ninh. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger trong một cuộc họp báo, phòng tuyến cố thủ này là “một cuộc trắc nghiệm mới” với thời hạn 30 ngày.
Ngày 6.4, phòng tuyến Phan Rang hình thành. Hai ngày sau, phòng tuyến Xuân Lộc được bố trí xong với binh lực mạnh nhất mà chính quyền Sài Gòn có trong tay, gồm: Sư đoàn bộ binh 18 (với 3 trung đoàn 43, 48, 52); lữ đoàn 5 tăng thiết giáp; 4 tiểu đoàn bảo an (340, 342, 343, 367); 2 tiểu đoàn pháo binh (181, 182) với 42 khẩu pháo các loại, trong đó có 2 khẩu M107 và 175 mm; 2 liên đoàn dân vệ.
Ngày 7.4, chiến đấu cơ của quân đội Sài Gòn được lệnh phản kích với 10 phi xuất oanh kích tại vùng 30 cây số đông bắc Phan Rang (Ninh Thuận), đồng thời chiến dịch Lê Văn Duyệt của Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô được ráo riết triển khai. Đây là một chiến dịch quy mô nhằm “triệt hạ đặc công của lực lượng quân giải phóng công thành và bẻ gãy mưu đồ tổng tấn công của Cộng sản... khởi diễn đồng loạt tại đô thành, thị xã Gia Định và khắp các vùng nông thôn” (công văn của Phòng 3, Biệt khu thủ đô, Quân đoàn 3).
Hy vọng le lói được thắp lại trên chính trường Mỹ và Sài Gòn. Ngày 11.4, Việt tấn xã điểm tin báo chí nước ngoài: “...các nhật báo xuất bản tại Hoa Kỳ trong mấy ngày qua đều đồng nhận xét là tình hình chung đã sáng sủa và vững vàng hơn vào khoảng đầu tháng 3 vừa rồi... Theo ký giả Oberdorfer của Washington Post, rồi đây quân giải phóng chắc chắn sẽ không giữ được Đà Nẵng... Ký giả Yates của nhật báo Chicago Tribune nhận định rằng chánh phủ VN cộng hòa đã tăng cường hệ thống phòng thủ đô thành Sài Gòn rất kiên cố và quân giải phóng sẽ không thể xâm phạm đến thủ đô Sài Gòn được...”.
Trên thực tế, ngày 7.4.1975, quân giải phóng đã áp sát phòng tuyến Phan Rang.
Phá vỡ “tử điểm”
Ngày 9.4, đồng thời với việc uy hiếp Phan Rang, quân giải phóng mở chiến dịch tấn công Xuân Lộc, tuyến phòng thủ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
Phủ đặc ủy T.Ư tình báo (Phủ tổng thống chính quyền Sài Gòn) ngày 10.4 ghi nhận: Ngày 9.4, quân giải phóng mở màn trận đánh bằng đợt pháo kích với 3.000 đạn đủ loại vào tỉnh lỵ, đồng thời bộ binh có chiến xa yểm trợ tấn công tiểu đoàn 340/ĐPQ, 1 đại đội địa phương quân, tiểu đoàn 1/43 và hậu cứ của trung đoàn 52 bộ binh. Trong ngày, quân giải phóng tràn ngập Bộ chỉ huy chi khu Bình Khánh...
Đến ngày 14.4, trong khi chiến sự tại Xuân Lộc vẫn diễn ra ác liệt, giằng co thì tại Phan Rang, quân giải phóng bắt đầu đột phá tuyến phòng thủ Du Long. Sáng 16.4, quân giải phóng chiếm dinh tỉnh trưởng, bắt đại tá - Tỉnh trưởng Ninh Thuận Nguyễn Văn Tư, trung tướng - Phó tư lệnh Quân đoàn 3 Nguyễn Vĩnh Nghi và chuẩn tướng không quân Phạm Ngọc Sang.
Thất vọng trước diễn tiến trên chiến trường miền Nam, Tổng thống Mỹ G.Ford gây sức ép buộc Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức.
Tối 21.4, trong diễn văn từ chức, ông Thiệu đã chỉ trích “thái độ chủ bại của Hoa Kỳ”, không giữ đúng cam kết viện trợ quân sự và kinh tế dồi dào cho VN cộng hòa (Việt tấn xã 22.4.1975), rồi tiếp tục bào chữa cho thất bại: “Chúng tôi đã có một quyết định chính trị là không tử thủ Kon Tum, Pleiku, và với ý kiến của thủ tướng, của đại tướng, và tư lệnh quân khu đã rút quân; lấy quân của Kon Tum, Pleiku để lấy lại Ban Mê Thuột, và hễ lấy lại Ban Mê Thuột rồi là có cơ hội lấy lại Kon Tum, Pleiku”.
Cùng ngày, trước giờ Nguyễn Văn Thiệu phát biểu lần cuối với tư cách là tổng thống chính quyền Sài Gòn, quân giải phóng đã chọc thủng “cánh cửa thép” Xuân Lộc.
Can thiệp cuối cùng của Mỹ
Việc Tổng thống Mỹ ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức không phải là hành động từ bỏ sự can thiệp vào VN. Trước và sau ngày 21.4, Tổng thống G.Ford tiến hành một loạt hoạt động quân sự có tính chất răn đe, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ chấp thuận viện trợ cho chính quyền Sài Gòn. Mục tiêu của Mỹ là dùng sức ép quân sự để đạt được lợi thế trên bàn thương lượng, hòng tìm một giải pháp chính trị có lợi cho họ tại miền Nam VN. Ngày 20.4, Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo “5 hàng không mẫu hạm Mỹ lên đường tới các địa điểm không được tiết lộ trong vùng Tây bộ Thái Bình Dương” (Reuters). Báo chí Sài Gòn cũng đưa tin, từ ngày 4 - 21.4 đã có “trên 100 phi vụ bằng vận tải cơ khổng lồ của không lực Mỹ chuyển vận tới VN các quân tiếp liệu chính yếu gồm vũ khí cá nhân, trọng pháo, thiết giáp, vũ khí chống chiến xa...” và “nhiều chuyến tàu thủy chuyển vận số lượng đạn dược quan trọng” (báo Dân chủ ngày 22.4). Ngày 22.4, Tổng thống G.Ford tuyên bố “một lực lượng quân sự có thể được đưa trở lại VN để giúp di tản những người VN có liên hệ tới Mỹ...”.
Mỹ cũng dựng một nhân vật đã 72 tuổi là ông Trần Văn Hương lên làm tổng thống chính quyền Sài Gòn. Phát biểu trong dịp nhậm chức “tân Tổng thống Trần Văn Hương nói, lãnh trách nhiệm trong giờ phút này là nhận lãnh sự hy sinh lớn lao, nhưng cũng không bằng sự hy sinh của nguyên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, biết chọn đúng lúc để từ nhiệm...” (Việt tấn xã 22.4.1975).
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đã tố cáo chính sách hai mặt của Tổng thống G.Ford và tuyên bố chỉ có thể thương lượng với 2 điều kiện: 1) Phải thay thế hoàn toàn chính phủ Nguyễn Văn Thiệu; 2) Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn việc dính líu quân sự vào miền Nam VN. Và ngày 22.4, Đài phát thanh Giải phóng phát lệnh tổng tiến công giải phóng Sài Gòn.
Không thể thay đổi ý định của đối phương, Mỹ tìm cách đưa ông Dương Văn Minh - một nhân vật thân Pháp, đồng thời nằm trong nhóm “không chống Cộng” - lên làm tổng thống chính quyền Sài Gòn ngày 25.4 nhằm tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, mọi sự đã trở nên quá muộn khi 17 giờ ngày 26.4, cuộc tổng công kích Sài Gòn của quân giải phóng đã bắt đầu. Và đến 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các Vũ Văn Mẫu đầu hàng vô điều kiện.
Hải Thành
(Lược trích Về đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn (NXB Chính trị quốc gia 2010), tựa bài do Thanh Niên đặt)
Bình luận (0)