Tai nạn do 'điều tiết' bất ngờ trên đường cao tốc

12/05/2015 08:30 GMT+7

Ô tô đang lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào ban đêm thì bất ngờ thấy CSGT đứng giữa đường rọi đèn pin “điều tiết” và đã thắng gấp khiến xe sau không “né” kịp nên xảy ra tai nạn.

Ô tô đang lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào ban đêm thì bất ngờ thấy CSGT đứng giữa đường rọi đèn pin “điều tiết” và đã thắng gấp khiến xe sau không “né” kịp nên xảy ra tai nạn.

Clip tai nạn do 'điều tiết' bất ngờ trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào ban đêm
Trình bày với PV Thanh Niên, bà P. (tài xế điều khiển xe bán tải BS: 51C-57… ngụ TP.HCM) kể: “Lúc đó khoảng 20 giờ 50 ngày 1.5, xe tôi có chở theo 2 người thân, lưu thông trên đường cao tốc từ hướng Đồng Nai về TP.HCM với tốc độ hơn 90 km/giờ ở làn giữa, đoạn đường này cho phép 120 km/giờ. Khi đến gần nút giao Vành đai 2, đi thẳng về Mai Chí Thọ, rẽ phải về cầu Phú Mỹ, thì bất ngờ bị một CSGT đứng giữa đường dùng đèn pin rọi về hướng xe của tôi. Với tín hiệu rọi đèn của CSGT, tôi tưởng CSGT yêu cầu dừng xe nên vội thắng gấp, đánh lái cho xe chuyển sang làn bên trái, sát dải phân cách và dừng lại cách CSGT khoảng 5 m”.
“Nếu không thắng kịp tôi đã cán CSGT rồi”
Khi xe của bà P. đột ngột phải thắng gấp, chuyển làn, mặc dù ông V. (ngụ Q.3 - người điều khiển ô tô 7 chỗ BS: 51A-62… chở 4 người, trong đó có 2 trẻ em chạy phía sau với tốc độ khoảng 100 km/giờ đã cố đạp thắng, và đánh tay lái qua bên để né nhưng xe ông vẫn đâm vào đuôi xe bà P. khiến cả hai xe bị hư hỏng. Ông V. cho biết lúc xảy ra tai nạn mọi người trên xe đều hốt hoảng nhưng rất may không ai bị thương. Sau đó, Đội CSGT Công an Q.9 đến hiện trường lập biên bản vụ việc.
“Khi vụ việc xảy ra mọi người trên xe đều bức xúc. CSGT có quyền làm nhiệm vụ của mình nhưng ban đêm mà các anh không hề có báo hiệu từ xa, dùng đèn pin rọi bất ngờ rất nguy hiểm cho người lái ô tô và cả nguy hiểm với CSGT. Lúc đó nếu tôi không thắng kịp có thể xe tôi đã cán chết anh CSGT rồi. Cũng may tôi chạy hơn 90 km/giờ, nếu chạy đúng theo quy định cho phép 120 km/giờ thì không biết hậu quả như thế nào. Vụ tai nạn này xảy ra một phần do lỗi của CSGT”, bà P. rất không đồng tình với cách làm việc của CSGT hôm đó.
Chiếc ô tô 7 chỗ bị hư hại - Ảnh: Nguyên Bảo   
Tương tự, ông V. cũng rất bức xúc: “Lúc đó tôi có phản ứng thì mấy anh CSGT giải thích chỉ cần dùng đèn pin, còi và một số chóp mũ để cách vị trí mấy ảnh đứng vài mét để điều tiết giao thông là đảm bảo an toàn. Đáng ra, CSGT phải dùng gậy có gắn đèn hướng dẫn thì tài xế mới biết chạy đúng theo hướng dẫn. Đằng này CSGT dùng đèn pin để gọi là điều tiết giao thông khiến tài xế không hiểu nên việc bà P. tưởng CSGT thổi lại do bị vi phạm là không có gì bất ngờ”.
Không đảm bảo an toàn
Trả lời PV Thanh Niên, một cán bộ của Cục CSGT - Bộ Công an, xác nhận: “Tối 1.5, tổ CSGT thuộc Cục CSGT đang thi hành nhiệm vụ điều tiết phương tiện lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, từ hướng Đồng Nai - TP.HCM về hướng cầu Phú Mỹ do tại nút giao An Phú bị tắc. Tuy nhiên, cách thức tổ chức điều tiết giao thông của tổ công tác là không đảm bảo an toàn. Đúng ra phải có biển báo hiệu, chóp nón từ xa theo quy định. Chúng tôi sẽ kiểm tra nếu đúng như bạn đọc phản ánh thì phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay”.
Hiện trường vụ việc - Ảnh: Nguyên Bảo
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E - đơn vị quản lý, vận hành và khai thác đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), khi xử lý sự cố có chướng ngại vật phải hạn chế giao thông thì tùy vị trí làn đường bị hạn chế nhưng xa nhất là trước chướng ngại vật khoảng 160 m bắt đầu có "báo hiệu mũi tên an toàn cảnh báo", chóp nón được đặt trước chướng ngại vật ít nhất là 100 m. Nếu trường hợp sự cố đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện khống chế, cảnh báo giao thông trước 1 km…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.